Thời kì tiền mãn kinh, mãn kinh là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa ở phụ nữ. Vậy độ tuổi của thời kì này là bao nhiêu? Phụ nữ nên làm gì khi bước vào thời kì này?
Mục lục
Tiền mãn kinh và mãn kinh có giống nhau không?
Tiền mãn kinh và mãn kinh là hai giai đoạn khác nhau trong quá trình lão hóa tự nhiên của phụ nữ. Trong đó:
☛ Tiền mãn kinh (tiếng anh: Perimenopause) là giai đoạn vài năm trước khi mãn kinh. Đây là thời điểm mà buồng trứng dần dần suy giảm hoạt động, bắt đầu tạo ra ít estrogen hơn. Chính vì thế, giai đoạn này còn được gọi là giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh.
☛ Mãn kinh (tiếng anh: Menopause) là giai đoạn tiếp theo sau tiền mãn kinh. Nó là điểm 12 tháng sau kì kinh cuối cùng của phụ nữ. Tức là từ kì kinh cuối cùng, trong 12 tháng tiếp theo, người phụ nữ không có chu kì kinh nào nữa. Ở giai đoạn này buồng trứng đã hoàn toàn ngừng hoạt động, không còn giải phóng trứng nữa.
Tiền mãn kinh kéo dài cho tới khi mãn kinh. Trong 1-2 năm cuối của thời kì tiền mãn kinh, estrogen sẽ suy giảm mạnh và có thể gây ra nhiều triệu chứng mãn kinh.
Tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh ở phụ nữ
Tuổi tiền mãn kinh
Tiền mãn kinh thường bắt đầu ở tuổi 40 với dấu hiệu thường thấy đầu tiên là kinh nguyệt không đều. Tuy nhiên nhiều phụ nữ có thể bắt đầu tiền mãn kinh ở độ tuổi 30 hoặc thậm chí sớm hơn. Mỗi phụ nữ sẽ có độ tuổi tiền mãn kinh khác nhau.
Thời gian trung bình của thời kì tiền mãn kinh là 4 năm, nhưng đối với một số phụ nữ, giai đoạn này có thể chỉ kéo dài vài tháng hoặc diễn ra trong 10 năm. Tiền mãn kinh kết thúc khi phụ nữ đã trải qua 12 tháng không có kinh.
Tuổi mãn kinh
Trong một nghiên cứu, tuổi mãn kinh trung bình của phụ nữ được báo cáo là 51,1 ở châu Á, 54 ở châu Âu, 51,4 ở Bắc Mỹ và 48,6 ở Mỹ Latinh. Phần lớn phụ nữ ngừng có kinh ở độ tuổi từ 45 đến 55. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, cứ 100 phụ nữ thì có khoảng 1 người trải qua thời kỳ mãn kinh trước 40 tuổi. Đây được gọi là mãn kinh sớm hoặc suy buồng trứng sớm.
Như vậy, độ tuổi mãn kinh trung bình của phụ nữ ở mỗi châu lục là khác nhau và độ tuổi mãn kinh trung bình của phụ nữ Việt Nam là 51,1.
Tham khảo: Cách chăm sóc sức khỏe kéo dài tuổi mãn kinh
Các yếu tố ảnh hưởng tới tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh
Không có cách nào để biết chính xác tuổi mãn kinh của bạn là bao nhiêu cho đến khi nó xảy ra. Tuy nhiên có một số yếu tố cho thấy chúng có thể ảnh hưởng đến độ tuổi mãn kinh của bạn, bao gồm:
☛ Di truyền. Người ta tin rằng khoảng 50% phụ nữ sẽ có yếu tố di truyền đóng một vai trò trong việc xác định tuổi bắt đầu mãn kinh. Những phụ nữ có mẹ bước vào thời kỳ mãn kinh sớm thì có nguy cơ cao bị mãn kinh sớm hơn phụ nữ khác.
☛ Tuổi hành kinh. Các nghiên cứu cho thấy tuổi bắt đầu mãn kinh bị ảnh hưởng bởi tuổi có kinh lần đầu tiên. Có kinh nguyệt sớm thì tuổi mãn kinh cũng sớm theo.
☛ Hoạt động thể chất. Hoạt động thể chất cũng là một yếu tố ảnh hưởng tới tuổi mãn kinh. Trong đó hoạt động thể chất nặng có liên quan đến mãn kinh sớm và hoạt động thể chất nhẹ nhàng làm chậm quá trình mãn kinh.
☛ Hút thuốc. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những phụ nữ hút thuốc sẽ bước vào thời kỳ mãn kinh sớm hơn những người không hút thuốc. Người ta quan sát thấy những phụ nữ hút trên 14 điếu thuốc lá mỗi ngày bước vào thời kỳ mãn kinh sớm hơn 2,8 năm so với những phụ nữ không hút thuốc.
☛ Chế độ ăn uống. Việc tiêu thụ nhiều chất béo không bão hòa đa làm tăng tốc độ bắt đầu của thời kỳ mãn kinh, còn tiêu thụ nhiều tổng lượng calo, trái cây và protein sẽ làm chậm quá trình này.
☛ Béo phì, thừa cân. Một số nghiên cứu cho rằng, những phụ nữ có chỉ số BMI cao thì có nguy cơ mãn kinh sớm cao hơn những phụ nữ khác.
☛ Tình trạng y tế. Những phụ nữ trải qua phẫu thuật cắt bỏ vòi trứng một bên được phát hiện là bước vào thời kỳ mãn kinh ở độ tuổi sớm hơn những phụ nữ không phẫu thuật. Trung bình những người này sẽ bắt đầu mãn kinh ở độ tuổi 49,6.
Tìm hiểu thêm: Tâm lý phụ nữ tiền mãn kinh
Các nhận biết khi bước vào giai đoạn này
Như ta đã nói ở trên, giai đoạn 1-2 năm cuối thời kì tiền mãn kinh, nồng độ estrogen sẽ suy giảm rất mạnh và điều này có thể gây ra một số triệu chứng gọi là triệu chứng tiền mãn kinh, mãn kinh. Các triệu chứng này có thể kéo dài trong một vài tháng, vài năm hay đôi khi có thể kéo dài tới 4 năm sau kì kinh cuối cùng.
Chúng có thể từ nhẹ tới nặng. Một số thậm chí có thể khá nghiêm trọng và ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động hằng ngày của bạn.
Dưới đây là một số dấu hiệu, triệu chứng phổ biến:
- Bốc hỏa
- Đổ mồ hôi đêm
- Khô âm đạo và khó chịu khi quan hệ tình dục
- Khó ngủ
- Tâm trạng thấp hoặc luôn lo lắng, trường hợp nặng có thể dẫn tới trầm cảm tuổi mãn kinh
- Suy giảm ham muốn tình dục
- Tóc gãy rụng, mất màu
- Da khô, xuất hiện đồi mồi, nếp nhăn
- Tăng tích tụ mỡ ở vùng bụng, eo, dưới cánh tay
- Móng tay khô giòn
- Có vấn đề với trí nhớ và sự tập trung
- .v.v.
Xem chi tiết: 34 triệu chứng của tiền mãn kinh
Nên làm gì khi bước vào tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh?
Bước vào độ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh, phụ nữ nên chủ động trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để chuẩn bị cho giai đoạn lớn thứ hai của cuộc đời. Điều này giúp tránh những hoang mang, lúng túng, bỡ ngỡ khi bạn bước vào giai đoạn này. Hơn thế nữa, nó còn giúp bạn tránh những thông tin sai lệch có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
Để làm được điều này, bạn nên:
- Trao đổi với bác sĩ, những người có chuyên môn hoặc tìm đọc các bài viết tại các website uy tín (như estrogen.vn)
- Tìm hiểu về các phương pháp đối phó với những triệu chứng của thời kì tiền mãn kinh, mãn kinh (như cách cân bằng nội tiết tố nữ tự nhiên, các loại thực phẩm chức năng bổ sung estrogen, liệu pháp hormone,…)
- Tham gia vào những group, hội nhóm uy tín nói về chủ đề sức khỏe phụ nữ.
- Trao đổi, chia sẻ với người thân để họ hiểu, thông cảm và giúp đỡ bạn trong thời kì này nếu cần thiết.
Hãy nhớ rằng, kiến thức chính là sức mạnh, việc chủ động trang bị cho mình những kiến thức đúng đắn giúp bạn tránh những hiểu lầm đáng tiếc và điều này còn có thể giúp đỡ cả những phụ nữ khác đang trong độ tuổi như bạn.
Ngoài ra, bạn nên gặp bác sĩ đa khoa nếu bạn có các triệu chứng tiền mãn kinh, mãn kinh ở mức nghiêm trọng, biểu hiện bằng việc chúng đang làm phiền tới cuộc sống hằng ngày của bạn hoặc nếu bạn đang trải qua các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh trước 45 tuổi. Bác sĩ có thể xác nhận bạn đã mãn kinh hay chưa dựa trên các triệu chứng của bạn, đồng thời đề nghị bạn làm các xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone nếu bạn dưới 45 tuổi. Từ các kết quả xét nghiệm, họ có thể đưa ra giải pháp khắc phục phù hợp nhất.
Kết luận
Tiền mãn kinh, mãn kinh là một phần tự nhiên trong chu kì sống của phụ nữ. Đây là thời điểm mức độ estrogen và progesterone của bạn giảm xuống. Mỗi phụ nữ lại có độ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh khác nhau cùng với những triệu chứng mang đặc thù cá nhân. Vì thế, bạn cần chủ động trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để tránh bỡ ngỡ khi bước vào thời kì này. (ĐỌC THÊM: cách bổ sung estrogen và progesterone hiệu quả)