Bốc hỏa là nỗi phiền toái thường gặp ở phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, gây ra cảm giác nóng bừng, khó chịu. Nhiều người lựa chọn Đông y như một giải pháp an toàn, giúp điều hòa cơ thể, cân bằng nội tiết và giảm triệu chứng hiệu quả. Cùng khám phá những bài thuốc Đông y chữa bốc hỏa được tin dùng hiện nay.
Mục lục
Hiện tượng bốc hỏa tiền mãn kinh là gì?
Bốc hỏa là triệu chứng phổ biến ở phụ nữ tiền mãn kinh, nhưng cũng có thể xảy ra ở độ tuổi 20 – 30. Cơn bốc hỏa thường khởi đầu bằng cảm giác nóng bừng ở mặt, cổ, ngực rồi lan ra toàn thân, kèm theo đỏ da, tim đập nhanh, choáng nhẹ hoặc ớn lạnh.
Tần suất và mức độ bốc hỏa khác nhau ở mỗi người, có người chỉ gặp vài lần/tuần, nhưng cũng có người bị nhiều lần mỗi ngày. Nếu xảy ra ban đêm, bốc hỏa còn ảnh hưởng giấc ngủ, dễ gây mệt mỏi, lo âu và giảm chất lượng cuộc sống.
☛ Tham khảo thêm tại: Bốc hỏa tiền mãn kinh và những điều cần biết
Nguyên nhân gây bốc hỏa theo quan điểm Đông y
Trong Đông y, cơ thể con người được điều hòa bởi sự cân bằng giữa âm và dương. Bốc hỏa là dấu hiệu cho thấy sự rối loạn trong cân bằng âm dương và chức năng của các tạng phủ, đặc biệt là can (gan) và thận.
Cụ thể:
Mất cân bằng âm dương
Đông y cho rằng: âm và dương là hai yếu tố nền tảng chi phối toàn bộ hoạt động sống của cơ thể.
- Âm đại diện cho sự mát mẻ, nuôi dưỡng, tĩnh tại.
- Dương tượng trưng cho nhiệt năng, chuyển động và kích thích.
Khi hai yếu tố này mất cân bằng – đặc biệt là khi âm suy hoặc dương thịnh, cơ thể rơi vào trạng thái gọi là “hỏa vượng”. Đây là lúc các triệu chứng bốc hỏa, nóng bừng mặt, vã mồ hôi, hồi hộp… xuất hiện rõ rệt.
Tình trạng mất cân bằng này rất thường gặp ở phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, do âm khí trong cơ thể giảm dần theo tuổi tác. Khi âm suy, dương khí không được kiểm soát, dễ gây nóng trong, cáu gắt, mất ngủ – những biểu hiện đặc trưng của bốc hỏa.
Suy giảm chức năng của các tạng phủ
Theo quan điểm Đông y, bốc hỏa cũng liên quan chặt chẽ đến sự suy yếu của can (gan) và thận – hai tạng phủ giữ vai trò điều tiết quan trọng trong cơ thể.
- Gan (can) có chức năng điều hòa khí huyết. Khi gan khí bị ứ trệ (do stress, giận dữ, thiếu ngủ…), dễ sinh uất hỏa, khiến nhiệt tích tụ và phát ra ngoài dưới dạng bốc hỏa.
- Thận là gốc rễ của âm dương trong cơ thể. Khi thận âm suy yếu, không thể chế ngự được dương khí, khiến dương bốc lên, gây ra tình trạng nóng trong, khô rát, bốc hỏa kèm đổ mồ hôi.
Các yếu tố như lão hóa, căng thẳng kéo dài, thiếu nghỉ ngơi, môi trường sống ô nhiễm… đều có thể làm suy yếu gan và thận, từ đó làm nặng thêm tình trạng bốc hỏa.
5 bài thuốc chữa bốc hỏa an toàn, hiệu quả từ Đông Y

Dưới đây là một số bài thuốc Đông y chữa bốc hỏa chị em có thể tham khảo:
Bài thuốc “Đơn chi tiêu dao tán”
Tác dụng: Bổ gan, thanh nhiệt, bổ máu và tốt cho lá lách, giúp trị chứng bốc hỏa đau đầu, mặt đỏ, vã mồ hôi, cơ thể mệt mỏi, kinh nguyệt không đều,…
Đối tượng sử dụng: phụ nữ bị bốc hỏa đau đầu, bốc hỏa vã mồ hôi.
- Nguyên liệu: Sài hồ 14g, Đương quy 20g, Bạch thược 20g, Bạch truật 12g, Bạch linh 14g, Chích thảo 10g, Đơn bì 14g, Chi tử 10g, Ngưu tất 12g, Sinh khương 12g.
- Cách thực hiện: Sắc 1 thang thuốc với 3 bát nước, đun đến khi còn 1 bát, uống trong ngày.
☛ Lưu ý:
- Nếu người bệnh gầy yếu, da nhợt/vàng, kinh nguyệt rối loạn: thêm sinh địa hoặc thục địa 20g.
- Có triệu chứng đau tức ngực: thêm hương phụ 10g.
- Đau mỏi vai gáy: thêm cát căn 14g.
- Không nên dùng nếu có biểu hiện: tay chân lạnh, da xanh, ho đờm, tiêu chảy, đầy bụng.
- Trường hợp tỳ thận hư hàn (chân tay lạnh, đại tiện lỏng): cần bỏ đơn bì và chi tử khỏi bài thuốc.
Bài thuốc “Tứ vật thang”
Tác dụng: giúp bổ huyết thanh hỏa, trị đau đầu, chóng mặt, ù tai do huyết hư hỏa vượng.
Đối tượng sử dụng: phụ nữ hay chóng mặt, đau đầu, người nóng do huyết hư hỏa vượng.
- Nguyên liệu: Thục địa 30g, Đương quy 16g; Bạch thược 20g; Xuyên khung, Cẩu kỷ, Cúc hoa, Ngũ vị tử mỗi vị 14g; Cam thảo 6g; Mạch môn, Ngưu tất, Đại táo, Sinh khương mỗi vị 12g.
- Cách thực hiện: Các vị thuốc được đem sắc lấy nước tương tự như trên, ngày uống 1 thang.
☛ Lưu ý:
- Trong một số trường hợp, có thể gia giảm một vài vị thuốc để đạt hiệu quả tốt nhất. Ví dụ, nếu tăng huyết áp gia hạ khô thảo 14g; miệng khô khát gia thiên hoa phấn 14g; nếu đau hông sườn thì bỏ cúc hoa và thêm vào bài thuốc 12g sài hồ, 12g bạch truật.
- Chị em không nên sử dụng bài thuốc này nếu bị đau đầu, nghẹt mũi, sổ mũi do cảm lạnh bởi nó sẽ làm cơ thể càng thêm lạnh, không những không trị được bốc hỏa mà còn phản tác dụng.
Bài thuốc “Lục vị hoàn”
Tác dụng: Trị đau đầu do can hỏa vượng, bổ can thận âm thanh hỏa, giáng hỏa, phòng và trị đau đầu chóng mặt, khó ngủ do can thận âm hư, mắt hoa, tai ù, ra mồ hôi trộm, mờ mắt, mỏi mắt, khô mắt.
Đối tượng sử dụng: người nóng bứt rứt, khó ngủ do thận âm hư hỏa vượng.
- Nguyên liệu: Thục địa 30g, Hoài sơn 18g, Sơn thù 14g, Đơn bì 16g, Phục linh 10g, Trạch tả 8g, Huyền sâm 12g, Ngưu tất 12g, Cẩu kỷ 14g, Cúc hoa 12g.
- Cách thực hiện: Sắc 1 thang thuốc với 3 bát nước, đun đến khi còn 1 bát, uống trong ngày.
☛ Lưu ý:
- Nếu tiểu vàng, dắt thêm vị thuốc Tri mẫu (12g), Hoàng bá (10g),
- Nếu khó ngủ thêm 12g Lạc tiên.
- Người bị tỳ yếu, tiêu chảy hoặc đầy bụng, chậm tiêu, ho nhiều đờm do bị lạnh không nên dùng bài thuốc này.
Bài thuốc “Tả can vị hỏa thang”
Tác dụng: Thanh can, giải nhiệt tà, giáng hỏa, thanh hỏa dưỡng âm, ích nguyên khí. thanh can, giải nhiệt tà, giáng hỏa, thanh hỏa dưỡng âm, ích nguyên khí.
Đối tượng sử dụng: người bốc hỏa lên đầu, đau nóng đỉnh đầu, miệng khô rát, mặt đỏ, nóng tiểu vàng, đại tiện táo,…
- Nguyên liệu: Cát căn 120g; Nhân sâm 40g; Thanh hao, Thăng ma, Hoàng kỳ mỗi vị 12g; cam thảo 6g.
- Cách thực hiện: Sắc 1 thang thuốc với 3 bát nước, đun đến khi còn 1 bát, uống trong ngày.
Bài thuốc “Tri bá địa hoàng hoàn”
Tác dụng: Tư ân giáng hỏa thanh thấp nhiệt, thông ứ, dưỡng âm.
Đối tượng sử dụng: người bố hỏa nóng cả vùng thắt lưng, 2 bàn chân, nước tiểu có màu vàng,…
- Nguyên liệu: Thục địa 32g, Hoài sơn 18g, Đơn bì 18g, Trạch tả 14g, Sơn thù 12g, Phục linh 12g, Tri mẫu 12g, Hoàng bá 12g, Sa tiền tử 10g.
- Cách thực hiện: Các vị thuốc được làm thành viên hoàn, mỗi lần uống thì pha với nước sôi để nguội hoặc nước muối nhạt. Mỗi ngày uống 8 – 12g/lần x 2 – 3 lần.
Chữa bốc hỏa bằng Đông y có hiệu quả không?
Đông y điều trị bốc hỏa hiệu quả bằng cách tác động vào căn nguyên gây mất cân bằng âm dương và suy yếu tạng phủ (gan, thận).
Thay vì chỉ giảm triệu chứng, các bài thuốc Đông y giúp thanh nhiệt, bổ âm, điều hòa nội tiết và tăng cường chức năng gan thận – từ đó cải thiện tình trạng nóng bừng, vã mồ hôi, mất ngủ, mệt mỏi một cách bền vững.
Tuy nhiên, hiệu quả còn phụ thuộc vào cơ địa và cần được kê đơn đúng theo thể trạng từng người.
Những lưu ý khi chữa bốc hỏa bằng các bài thuốc Đông y
Đông y là lựa chọn an toàn, hiệu quả để cải thiện tình trạng bốc hỏa. Tuy nhiên, để đạt được kết quả tốt và tránh rủi ro, chị em cần ghi nhớ một số điểm sau:
- Tham khảo ý kiến bác sĩ khi dùng cùng thuốc Tây: Không nên tự ý kết hợp thuốc Đông – Tây y vì có thể gây tương tác, làm giảm hiệu quả hoặc gây quá liều.
- Dùng đúng liều, đúng hướng dẫn: Thuốc Đông y thường tác dụng chậm nhưng bền. Không tự ý tăng liều với mong muốn khỏi nhanh, dễ gây phản tác dụng.
- Chú ý đối tượng chống chỉ định: Một số bài thuốc không phù hợp với người có tỳ hư, tiêu chảy, cơ thể lạnh, da xanh… nên cần đọc kỹ hướng dẫn hoặc hỏi lương y trước khi dùng.
- Sắc thuốc đúng cách: Dùng nồi đất hoặc nồi sứ để sắc thuốc, đổ ngập nước và điuin nhỏ lửa, uống khi còn ấm để cơ thể hấp thu hiệu quả hơn.
Nhược điểm khi chữa bốc hỏa bằng các bài thuốc Đông y
Bên cạnh các ưu điểm như giá thành rẻ, an toàn, hiệu quả bền vững thì các bài thuốc Đông y cũng có một số nhược điểm và rủi ro nhất định. Cụ thể:
- Công đoạn sắc thuốc tốn nhiều thời gian: So với các thuốc tân dược dạng viên uống tiện lợi, thuốc Đông y thường tốn mất khoảng 1 – 2 giờ để sắc thuốc và phải sắc thuốc mỗi ngày nên những chị em bận rộn khá e ngại khi sử dụng.
- Tác dụng chậm: Các bài thuốc Đông y chữa bốc hỏa có tác dụng từ từ, cải thiện dần dần các triệu chứng bốc hỏa, do đó, thời gian sử dụng thường kéo dài và hiệu quả cũng chậm hơn.
- Khó kiểm soát chất lượng dược liệu: Vì khó kiểm tra nguồn gốc và chất lượng nên việc các thuốc Đông y được bán tràn lan trên thị trường khiến nhiều chị em cảm thấy lo lắng. Do vậy, trước khi tìm đến các bài thuốc, chị em nên tìm kiếm cho mình một địa chỉ khám chữa bệnh đáng tin cậy.
- Rủi ro khi sử dụng quá liều: Một số dược liệu khi ở liều dùng thích hợp sẽ cho hiệu quả chữa bệnh, tuy nhiên, khi dùng với liều cao có thể gây độc tính, ảnh hưởng đến sức khỏe, trường hợp nặng có thể bị suy gan, suy thận cấp.
Kết luận:
Bốc hỏa là tình trạng phổ biến ở phụ nữ, đặc biệt trong giai đoạn sau sinh hoặc tiền mãn kinh. Việc lựa chọn điều trị bằng Đông y có thể mang lại hiệu quả an toàn và bền vững nếu được áp dụng đúng cách, đúng người. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả và tránh rủi ro, chị em nên thăm khám tại cơ sở uy tín và tuân thủ hướng dẫn từ thầy thuốc.