Sau sinh, nhiều mẹ bỉm thường gặp những cơn nóng bừng đột ngột, khiến cơ thể mệt mỏi, khó chịu. Đây là dấu hiệu rối loạn nội tiết phổ biến. Đừng lo, bài viết dưới đây sẽ bật mí cách cải thiện tình trạng bốc hỏa an toàn, giúp mẹ lấy lại sự cân bằng và dễ chịu nhanh chóng.
Mục lục
Hiện tượng bốc hỏa sau sinh là gì?
Bốc hỏa sau sinh là tình trạng cơ thể đột ngột cảm thấy nóng ran, thường kèm theo đổ mồ hôi, bứt rứt, khó chịu. Đây là một phản ứng sinh lý khá phổ biến ở phụ nữ sau sinh, chủ yếu do sự thay đổi nội tiết tố – đặc biệt là khi nồng độ estrogen giảm mạnh sau khi em bé chào đời.
Nhiều mẹ có thể đã từng trải qua cảm giác bốc hỏa từ giai đoạn mang thai. Sau sinh, do nội tiết chưa kịp ổn định, các cơn bốc hỏa có thể tiếp tục xảy ra, nhất là trong vài ngày đầu sau sinh – thường trùng thời điểm sữa mẹ bắt đầu về.
Tình trạng này khiến nhiều mẹ, đặc biệt là người lần đầu sinh con, cảm thấy lo lắng và mệt mỏi. Bốc hỏa cũng thường xảy ra vào ban đêm, gây mất ngủ và ảnh hưởng đến tâm lý, dễ dẫn đến stress.
Tuy nhiên, không phải ai cũng gặp hiện tượng này. Một số phụ nữ nuôi con bằng sữa công thức có thể ít bị bốc hỏa hơn do cơ thể không trải qua những thay đổi nội tiết giống như khi cho con bú.
Tại sao phụ nữ sau sinh lại bị bốc hỏa?
Hiện tượng bốc hỏa sau sinh là tình trạng thường gặp do nhiều yếu tố liên quan đến thay đổi nội tiết và cơ chế phục hồi của cơ thể. Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến:
1. Thay đổi nội tiết tố
Sau sinh, hormone estrogen và progesterone giảm đột ngột khiến vùng điều nhiệt ở não (vùng dưới đồi) trở nên nhạy cảm hơn. Chỉ cần một thay đổi nhỏ về nhiệt độ hoặc cảm xúc cũng có thể kích hoạt cơn bốc hỏa.
Ngoài ra, giảm estrogen cũng dẫn đến các triệu chứng tương tự tiền mãn kinh như: khô âm đạo, rối loạn kinh nguyệt, tâm trạng thất thường…
2. Cơ thể đào thải chất lỏng dư thừa
Trong thai kỳ, cơ thể mẹ tăng tới 50% lượng máu và dịch để nuôi thai. Sau sinh, lượng dịch này không còn cần thiết và được đào thải qua nước tiểu và mồ hôi – điều này cũng góp phần gây ra các cơn bốc hỏa, đặc biệt vào ban đêm.
3. Tác động của prolactin khi cho con bú
Khi cho con bú, cơ thể sản xuất nhiều prolactin để tạo sữa. Prolactin làm tăng thân nhiệt và ức chế rụng trứng, từ đó dẫn đến tình trạng bốc hỏa.
Ngay cả khi mẹ không cho con bú trực tiếp mà vẫn tiết sữa, prolactin vẫn hoạt động nên tình trạng bốc hỏa vẫn có thể xuất hiện.
Các yếu tố khiến bốc hỏa sau sinh trở nên nghiêm trọng hơn
Mặc dù bốc hỏa sau sinh là hiện tượng sinh lý bình thường, nhưng có một số yếu tố có thể khiến tình trạng này trở nên thường xuyên hơn, dữ dội hơn và gây nhiều khó chịu cho mẹ. Việc nhận biết các yếu tố làm nặng thêm tình trạng bốc hỏa sẽ giúp mẹ có hướng điều chỉnh phù hợp.
1. Thừa cân, béo phì
Sau sinh, nhiều mẹ gặp khó khăn trong việc giảm cân và dễ rơi vào tình trạng thừa cân, béo phì. Lượng mỡ dư thừa dưới da hoạt động như một lớp cách nhiệt, khiến cơ thể khó tỏa nhiệt. Khi nhiệt tích tụ bên trong, các cơn bốc hỏa sẽ dễ khởi phát và kéo dài hơn bình thường. Ngoài ra, béo phì cũng liên quan đến mất cân bằng nội tiết, làm tăng nguy cơ rối loạn điều nhiệt.
2. Hút thuốc lá
Thuốc lá là tác nhân làm suy giảm nồng độ estrogen – một trong những hormone quan trọng giúp ổn định nhiệt độ cơ thể. Phụ nữ hút thuốc sau sinh có nguy cơ bị bốc hỏa nặng hơn, kèm theo các triệu chứng khó chịu khác như mệt mỏi, khô da, mất ngủ. Không chỉ vậy, hút thuốc còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, bệnh tim mạch và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé nếu mẹ đang cho con bú.
3. Uống rượu, bia
Rượu bia cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hệ hormone, làm giảm nồng độ estrogen trong cơ thể. Ngoài ra, các chất kích thích này có thể làm gián đoạn giấc ngủ, khiến mẹ mất sức, dễ mệt mỏi và khiến cơn bốc hỏa trở nên dữ dội hơn. Đặc biệt, nếu mẹ đang cho con bú, rượu bia còn có thể tiết qua sữa mẹ, gây ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của trẻ nhỏ.
4. Căng thẳng, lo âu
Phụ nữ sau sinh rất dễ nhạy cảm về mặt tâm lý. Những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, áp lực chăm con, thiếu ngủ kéo dài… có thể kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, làm tăng tiết hormone stress như epinephrine và norepinephrine. Những hormone này thúc đẩy lưu thông máu và tăng thân nhiệt, từ đó làm xuất hiện hoặc làm nặng thêm các cơn bốc hỏa.
Bốc hỏa sau sinh kéo dài bao lâu?
Thời gian bốc hỏa sau sinh ở mỗi người là khác nhau, nhưng thường xuất hiện rõ rệt trong vài tuần đầu sau sinh. Theo nghiên cứu, các cơn bốc hỏa thường trầm trọng nhất trong 2 tuần đầu và giảm dần khi nội tiết tố dần ổn định.
Trung bình, tình trạng này có thể kéo dài khoảng 6 tuần trong giai đoạn hậu sản, kèm theo các triệu chứng khác như khô âm đạo, kinh nguyệt thất thường, mệt mỏi.
Nếu mẹ cho con bú kéo dài, bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm có thể tiếp tục lâu hơn do prolactin vẫn hoạt động. Khi ngừng cho con bú, hormone sẽ ổn định và các triệu chứng khó chịu sẽ dần biến mất.
Tham khảo: Các loại thực phẩm giàu estrogen cho phụ nữ sau sinh
Cách khắc phục hiệu quả chứng bốc hỏa sau sinh
Tuy chị em gần như không thể tránh khỏi hoàn toàn chứng bốc hỏa sau sinh, nhưng có một số biện pháp mà bạn có thể thực hiện để kiểm soát tốt tình trạng này và giúp bản thân thoải mái hơn khi phải chung sống với nó.
1. Giữ cơ thể luôn mát mẻ
Giữ cơ thể mát mẻ sẽ giúp hạn ché những cơn bốc hỏa, giúp mẹ sau sinh cảm thấy dễ chịu hơn. Dưới đây là một vài gợi ý:
- Mở cửa sổ, sử dụng quạt hoặc điều hòa khi cần
- Tránh tắm nước quá nóng, nên lau người bằng khăn ẩm nếu xuất hiện tình trạng bốc hỏa
- Mặc quần áo rộng rãi, chất liệu thấm hút mồ hôi tốt. Tránh vải tổng hợp và bó sát vì chúng có khả năng giữ nhiệt, khiến cơ thể bí bách và đổ mồ hôi nhiều hơn.
2. Uống đủ nước mỗi ngày
Cơ thể mẹ mất nhiều nước qua mồ hôi và sữa, đặc biệt khi bốc hỏa. Vì vậy, hãy uống ít nhất 2–2,5 lít nước mỗi ngày. Dấu hiệu đủ nước là nước tiểu trong hoặc có màu vàng nhạt. Nếu nước tiểu sẫm màu, mẹ nên bổ sung thêm nước.
3. Vận động nhẹ nhàng, đều đặn
Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga sau sinh giúp cân bằng nội tiết, giảm stress và duy trì cân nặng hợp lý – từ đó hạn chế bốc hỏa. Tuy nhiên, mẹ cần chọn bài tập phù hợp với thể trạng và chỉ nên bắt đầu khi cơ thể đã hồi phục sau sinh (thường sau 6–8 tuần hoặc theo chỉ dẫn bác sĩ).
4. Hạn chế chất kích thích
Rượu, bia và thuốc lá có thể làm giảm nồng độ estrogen, khiến bốc hỏa xảy ra thường xuyên hơn và kéo dài hơn. Ngoài ra, các chất này còn ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sữa và sức khỏe của bé nếu mẹ đang cho con bú. Vì vậy, nên tránh hoàn toàn trong giai đoạn sau sinh.
5. Thư giãn và kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng làm tăng hormone stress, kích hoạt các cơn bốc hỏa. Mẹ có thể áp dụng các biện pháp thư giãn như:
- Hít thở sâu, thiền định hoặc thực hành chánh niệm.
- Nghe nhạc, đọc sách, hoặc dành thời gian cho sở thích cá nhân.
- Nhờ người thân hỗ trợ chăm bé để có thời gian nghỉ ngơi.
6. Ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn giàu dưỡng chất không chỉ giúp phục hồi sức khỏe mà còn hỗ trợ cân bằng nội tiết:
- Tăng cường rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên cám, đậu nành, hạt lanh (giàu phytoestrogen).
- Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng – những thực phẩm có thể làm cơ thể nóng hơn.
7. Liệu pháp thay thế hormone (HRT)
Trong một số trường hợp bốc hỏa kéo dài và gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, bác sĩ có thể đề xuất liệu pháp hormone thay thế để bổ sung estrogen.
Tuy nhiên, phương pháp này tiềm ẩn một số tác dụng phụ như: buồn nôn, giữ nước, tăng cân, thay đổi tâm trạng… Vì vậy, mẹ cần được thăm khám và tư vấn kỹ trước khi sử dụng.
Bốc hỏa sau sinh khi nào cần đi khám?
Phần lớn các trường hợp bốc hỏa sau sinh là do thay đổi nội tiết và sẽ dần cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, kèm theo các dấu hiệu bất thường, đó có thể là biểu hiện của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như nhiễm trùng, rối loạn tuyến giáp hoặc biến chứng hậu sản.

Mẹ nên đi khám ngay nếu có một trong các triệu chứng sau:
- Sốt cao trên 38°C kéo dài, đặc biệt khi kèm theo cảm giác ớn lạnh.
- Âm đạo tiết dịch bất thường (màu lạ, có mùi hôi) hoặc chảy máu đỏ tươi kéo dài quá 3 ngày sau sinh.
- Xuất hiện cục máu đông lớn khi ra sản dịch.
- Đau rát khi đi tiểu – có thể là dấu hiệu nhiễm trùng tiết niệu.
- Đau, sưng, đỏ hoặc chảy dịch tại vết mổ/vết khâu tầng sinh môn.
- Vùng ngực có chỗ đỏ, sưng, nóng, có thể kèm theo đau – dấu hiệu nghi ngờ viêm tuyến vú.
- Chuột rút dữ dội không cải thiện sau nghỉ ngơi.
- Khó thở, choáng váng hoặc ngất xỉu – đây là dấu hiệu nghiêm trọng, cần can thiệp y tế ngay lập tức.
Các triệu chứng bổ sung này có thể là dấu hiệu cảnh báo các nguyên nhân khác gây bốc hỏa, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc vấn đề về tuyến giáp. Do đó, nếu rơi vào trường hợp trên, bạn tuyệt đối không nên chịu đựng một mình, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của các bác sĩ để được phát hiện và khắc phục tận gốc vấn đề.
Kết luận:
Bốc hỏa sau sinh là tình trạng phổ biến do thay đổi nội tiết, thường không nguy hiểm và có thể cải thiện bằng chế độ sinh hoạt lành mạnh. Tuy nhiên, nếu triệu chứng kéo dài hoặc kèm dấu hiệu bất thường, mẹ nên đi khám sớm để được hỗ trợ kịp thời, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, chị em vui lòng liên hệ hotline 1800 1190 để được tư vấn chi tiết nhất.