Bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh là triệu chứng thường gặp và gây ra nhiều phiền toái, khó chịu. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của nhiều chị em. Vậy hiện tượng bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh là gì? Nguyên nhân và cách cải thiện như thế nào? Cùng Estrogen.vn đi sâu vào bài viết dưới đây để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé!
Mục lục
Hiện tượng bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh
Hiện tượng bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh là cảm giác nóng bừng đột ngột xuất hiện từ bên trong cơ thể kèm thêm đổ mồ hôi và mặt đỏ. Đây là một triệu chứng phổ biến ở thời kỳ mãn kinh do sự biến đổi nội tiết tố trong cơ thể, ảnh hưởng đến 75 – 85% phụ nữ và bắt đầu trước khi ngừng kinh .
Bốc hỏa xảy ra khi nồng độ hormone estrogen suy giảm và tác động đến khả năng điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể. Đồng thời, những cơn bốc hỏa thường xảy ra vào ban đêm gây ra hiện tượng đổ mồ hôi nhiều về đêm làm gián đoạn giấc ngủ và mệt mỏi với nhiều chị em phụ nữ.
Những cơn bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh không chỉ xảy ra ở vùng mặt, cổ mà còn lan ra khắp cơ thể. Một số chị em sẽ có cảm giác lạnh sau khi cơn bốc hỏa kết thúc. Hiện tượng này có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm hoặc thậm chí trong một số trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn 10 năm.
Biểu hiện bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh
Điển hình nhất chính là sự rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, thay đổi chức năng của cơ quan sinh dục. Đặc biệt là sự thay đổi cảm xúc và những cơn bốc hoả rất khó chịu. Những biểu hiện bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh bao gồm:
- Cảm giác nóng đột ngột, dữ dội xuất hiện ở mặt, cổ, cánh tay, thậm chí là toàn bộ cơ thể.
- Nhịp tim và mạch đập nhanh, nhịp đập không đều.
- Đổ mồ hôi từ ít đến nhiều và thường xảy ra, đặc biệt là về đêm.
- Cảm thấy ớn lạnh sau những cơn bốc hỏa nóng bừng, tuy nhiên trường hợp này chỉ xảy ra ở một số người.
- Đổ mồ hôi về đêm làm gián đoạn giấc ngủ, dẫn đến mất ngủ và mệt mỏi.
- Một số biểu hiện khác của cơn bốc hỏa như chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, lo lắng và bồn chồn.
Nguyên nhân gây bốc hỏa tuổi mãn kinh
Dưới đây là một số nguyên nhân chính gây bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh:
Suy giảm estrogen
Sự suy giảm nồng độ estrogen trong cơ thể, đặc biệt là ở tuổi mãn kinh và tiền mãn kinh là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng bốc hỏa ở chị em.
Sự suy giảm nội tiết tố nữ làm cho vùng dưới đồi trở nên nhạy cảm hơn và hiểu nhầm cơ thể đang quá nóng. Điều này kích thích vùng dưới đồi để hạ nhiệt dẫn đến các tình trạng như tim đập nhanh, giãn mạch máu, cơ thể nóng bừng và đổ mồ hôi.
Chế độ dinh dưỡng
Chế độ ăn uống không khoa học, sử dụng quá nhiều đồ ăn cay nóng, chua, đồ ăn liền và tiêu thụ các chất kích thích như cafein, rượu, bia,… cũng là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra hiện tượng bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh.
Căng thẳng, lo âu
Stress, căng thẳng hay lo âu kéo dài dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố, nồng độ hormone Progesterone giảm mạnh và nồng độ hormone Estrogen tăng cao khiến hoạt động của tuyến thượng bị ảnh hưởng. Điều này làm tăng tần suất và cường độ xuất hiện các cơn bốc hỏa cáu gắt ở phụ nữ, đặc biệt trong thời kỳ mãn kinh, tiền mãn kinh.
Béo phì
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phụ nữ béo phì, thừa cân có nhiều khả năng mắc phải bốc hỏa nhiều hơn phụ nữ gầy. Trên thực tế, mỡ trong cơ thể đóng vai trò là chất cách nhiệt là ức chế quá trình tản nhiệt. Điều này đã làm tăng khả năng bốc hỏa ở phụ nữ. Đồng thời, chỉ số BMI càng cao thì tần suất bốc hỏa càng nhiều.
Hút thuốc lá
Một số nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc lá có nguy cơ bị bốc hỏa cao gấp 2 lần so với những người không hút thuốc.
Một cuộc khảo sát về phụ nữ mãn kinh, tiền mãn kinh cho thấy những người hiện đang hút thuốc có nguy cơ bốc hoả từ trung bình đến nặng và tình trạng này sẽ tăng dần theo lượng thuốc.
Đồng thời, một số nghiên cứu khác (1), (2) cũng cho thấy những người hiện đang hút thuốc và đã từng hút thuốc khi so sánh với những người không hút thuốc thì nguy cơ bốc hỏa và bốc hỏa nghiêm trọng chiếm tỷ lệ cao hơn.
Bốc hỏa tuổi mãn kinh kéo dài bao lâu, có nguy hiểm không?
Cường độ của các cơn bốc hỏa không ổn định và thường xuyên biến đổi. Các cơn bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh thường bắt đầu từ mặt rồi lan ra toàn bộ cơ thể và kèm theo tình trạng đổ mồ hôi. Tần suất xuất hiện các cơn bốc hỏa cũng sẽ khác nhau tùy vào thể trạng của mỗi người. Một số phụ nữ thường trải qua các cơn bốc hỏa liên tục và vô cùng khó chịu, nhưng một số lại chỉ thỉnh thoảng mới bắt gặp các cơn bốc hỏa.
Bốc hỏa có thể xuất hiện trước hoặc sau thời kỳ mãn kinh và kéo dài từ vài năm đến chục năm hoặc thậm chí hơn.
Theo thống kê cho thấy, chỉ có 2 trong 10 người phụ nữ không bao giờ gặp phải tình trạng bốc hỏa hoặc một số khác chỉ trải qua trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng lại có những trường hợp chị em phụ nữ sẽ phải chịu đựng các cơn bốc hỏa kéo dài hơn 10 năm hoặc thậm chí có thể lâu hơn. Tuy nhiên, trung bình phụ nữ mãn kinh thường phải đối mặt với các cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm trong khoảng 7 năm.
Vậy cơn bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh có nguy hiểm không?
Cơn bốc hỏa không trực tiếp nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu nghiêm trọng hoặc kéo dài, nó có thể gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe, bao gồm:
- Rối loạn giấc ngủ: Cơn bốc hỏa vào ban đêm có thể khiến phụ nữ mất ngủ kéo dài, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, căng thẳng, suy giảm trí nhớ và khả năng tập trung.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch: Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa cơn bốc hỏa nghiêm trọng và nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, do mất cân bằng hormone và căng thẳng kéo dài.
- Tăng nguy cơ loãng xương: Khi estrogen suy giảm, xương trở nên dễ gãy hơn và nếu cơn bốc hỏa kéo dài, phụ nữ mãn kinh có thể dễ mắc loãng xương hơn.
- Khô hạn khi mãn kinh: Sự suy giảm estrogen không chỉ gây cơn bốc hỏa mà còn làm giảm chất nhờn tự nhiên, dẫn đến khô âm đạo và cảm giác đau rát khi quan hệ. Điều này khiến phụ nữ cảm thấy e ngại hoặc mất hứng thú trong chuyện chăn gối.
Cách cải thiện bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh
Dưới đây là cách cải thiện tình trạng bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh mà chị em nên tham khảo:
Làm mát cơ thể
Những cơn bốc hỏa mãn kinh có những biểu hiện đặc trưng là sự tăng thân nhiệt một cách đột ngột. Để làm dịu đi cảm giác nóng bừng này chính là điều hòa nhiệt độ cơ thể bằng cách uống một cốc nước mát lạnh.
Nếu đang ở nhà, chị em có thể lau người với nước mát hoặc tắm qua người ngay sau những cơn bốc hỏa đầu tiên xảy ra. Còn nếu đang ở ngoài trời, chị em có thể sử dụng khăn ướt hoặc tìm địa điểm có điều hòa hay máy phun sương để làm mát cơ thể.
Tránh các yếu tố gây bốc hỏa
Tránh các tác nhân có thể làm cơn bốc hỏa trở nên tồi tệ hơn. Chẳng hạn như tiêu thụ đồ ăn cay nóng, sử dụng các chất kích thích như rượu, cafein hay thuốc lá,…
Bên cạnh đó, nhiệt độ môi trường cũng có ảnh hưởng lớn, vì vậy việc duy trì không gian sống mát mẻ, sử dụng quạt hoặc điều hòa có thể giúp kiểm soát cơn bốc hỏa tốt hơn.
Thay đổi dinh dưỡng và lối sống
Để thân nhiệt cơ thể không tăng do nhiệt sinh ra trong quá trình tiêu hóa nhiều thức ăn cùng một lúc, phụ nữ mãn kinh nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày thành nhiều bữa. Đồng thời, không nên ăn quá no, tránh xa bia rượu, các chất kích thích hay những món ăn cay nóng và uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
Chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, đầy đủ chất xơ và rau củ quả,… có thể cải thiện rõ rệt các triệu chứng bốc hỏa. Chị em bị bốc hỏa có thể tăng cường bổ sung các loại thực phẩm chứa hàm lượng cao estrogen thực vật như các thực phẩm về đậu nành (đậu nành, sữa đậu nành, đậu phụ,…), các loại hạt (hạt lanh, yến mạch,…) để giúp cân bằng hormone và giảm triệu chứng bốc hỏa.
☛ Tìm hiểu thêm: Người bị bốc hỏa nên ăn gì, uống gì?
Kiểm soát cân nặng
Như đã nói ở trên, ở phụ nữ béo phì, chỉ số khối cơ thể (BMI) cao thường xảy ra tình trạng bốc hỏa nhiều hơn so với người gầy hoặc cân đối. Vì thế, chị em phụ nữ nên có chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung đầy đủ chất xơ và khoáng chất, hạn chế tiêu thụ đồ dầu mỡ. Đồng thời, nên kết hợp với các bài tập thể dục thể thao hàng ngày, đều đặn và vừa sức để giữ thể hình cân đối.
Một điều cần lưu ý, nếu chị em nào đang trong giai đoạn giảm cân, cần phải thực hiện có khoa học. Tuyệt đối không đốt cháy quá trình mà sử dụng các sản phẩm giảm cân không rõ nguồn gốc hay nhịn ăn hoàn toàn. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu chất hoặc suy nhược cơ thể.
Sử dụng thuốc
Một trong những thuốc điều trị chứng bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh đang được sử dụng phổ biến là thuốc tránh thai đường uống – một hình thức khác của liệu pháp hormone. Thuốc tránh thai được bác sĩ chuyên khoa chỉ định cho phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh, tiền mãn kinh để kiểm soát chu kì kinh nguyệt bất thường. Ngoài ra, loại thuốc này còn có khả năng làm giảm các cơn bốc hỏa hoặc tránh mang thai ngoài ý muốn.
Bên cạnh đó, nhóm hoạt chất chống trầm cảm được sử dụng với mục đích kiểm soát số lượng và thời gian các cơn bốc hỏa mãn kinh như nhóm ức chế tái hấp thu Serotonin chọn lọc,… Tuy nhiên, loại thuốc này có nhược điểm là gây ra một số tác dụng phụ như làm giảm ham muốn tình dục, rối loạn chức năng tình dục hay khó đạt khoái cảm khi quan hệ.
Ngoài ra, một số thuốc điều trị bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh khác đã được các chuyên gia chứng minh có thể làm giảm các cơn bốc hỏa như nhóm chống động kinh, thuốc điều trị tăng huyết áp, Clonidine và Gabapentin.
☛ Đọc thêm: Bị bốc hỏa có nên uống thuốc không?
Liệu pháp hormone
Liệu pháp hormone hay liệu pháp thay thế hormone (HRT) là biện pháp bổ sung estrogen và progesterone tổng hợp để thay thế nồng độ hormone đang suy giảm trong cơ thể phụ nữ. Liệu pháp này được bác sĩ chuyên khoa chỉ định nhằm mục đích kiểm soát triệu chứng mãn kinh và tiền mãn kinh do thiếu hụt estrogen như bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm, khô hạn âm đạo,…
Ưu điểm của liệu pháp này là đạt hiệu quả cao và nhanh nhất. Tuy nhiên, việc kết hợp cả estrogen và progesterone có thể làm tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ,…; ung thư vú hoặc ung thư niêm mạc tử cung ở những người chưa phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Ngoài ra, liệu pháp thay thế estrogen đơn thuần cũng có khả năng làm tăng nguy cơ đột quỵ và ung thư nội mạc tử cung.
Các loại thuốc trị bốc hỏa mãn kinh điều trị theo liệu pháp hormone có thể ở dạng uống hoặc hấp thụ qua da như như miếng dán, thuốc xịt.
Kết luận
Hy vọng qua bài viết trên sẽ giúp chị em có thể hiểu rõ hơn về tình trạng bốc hỏa và cách kiểm soát được các cơn bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, hãy để lại phản hồi dưới phần bình luận để Estrogen.vn giải đáp và hỗ trợ nhanh chóng.