Phụ nữ khi đến tuổi mãn kinh sẽ bắt đầu bị suy giảm nội tiết tố nữ, dẫn đến hàng loạt các biểu hiện như chảy xệ vòng một, nám sạm da, tâm lý dễ cáu gắt, … Phổ biến nhất trong số đó mà bất cứ phụ nữ nào cũng phải trải qua trong thời kỳ mãn kinh chính là hiện tượng bốc hỏa. Vậy bốc hỏa tuổi mãn kinh là gì? Khắc phục tình trạng đó bằng cách nào? Chị em hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để được giải đáp chi tiết nhất nhé!
Mục lục
Hiện tượng bốc hỏa tuổi mãn kinh là gì?
Hẳn chị em đã có thể dễ dàng hình dung được hiện tượng này thông qua cụm từ “bốc hỏa”. Khi một cơn bốc hỏa bùng phát, cảm giác nóng bừng sẽ xâm chiếm toàn bộ cơ thể người phụ nữ, bắt đầu từ phần trên cơ thể bao gồm mặt, cổ, ngực, sau đó lan tỏa ra khắp các bộ phận khác.
Bốc hỏa là triệu chứng điển hình của phụ nữ thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, tình trạng này diễn ra rất khác nhau giữa các chị em. Một số người may mắn chỉ thỉnh thoảng bị bốc hỏa mà không cảm thấy tình trạng này quá ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Trong khi đó, phần đông những phụ nữ khác có thể xuất hiện nhiều cơn bốc hỏa trong ngày và cảm thấy rất bứt rứt, khó chịu về tình trạng này.
Các triệu chứng điển hình của bốc hỏa tuổi mãn kinh
Phụ nữ thường mô tả cơn bốc hỏa của mình như một cảm giác nóng khủng khiếp lan truyền nhanh khắp cơ thể. Bên cạnh triệu chứng điển hình này, một cơn bốc hỏa cũng kèm theo các biểu hiện thường gặp khác:
- Cảm giác râm ran ở đầu ngón tay kèm theo ngứa ran trong lòng bàn tay.
- Tim đập nhanh hơn bình thường, đôi khi có thể cảm nhận rõ trống ngực thình thịch.
- Nửa trên cơ thể đỏ bừng, nhất là ở cổ và tai.
- Có thể xuất hiện mẩn đỏ trên cơ thể.
- Vã nhiều mồ hôi, sau đó cơ thể sẽ nhanh chóng cảm thấy ớn lạnh.
Thông thường, một cơn bốc hỏa có thể kéo dài 5 phút hoặc lâu hơn. Tần suất các cơn bốc hỏa ở mỗi phụ nữ cũng có thể khác nhau. Một số người chỉ bị bốc hỏa một hai lần mỗi tuần, trong khi những người khác có thể trải qua các cơn bốc hỏa này vài lần trong ngày. Tuy nhiên, điểm tương đồng là chị em thường phải chịu đựng 7-9 năm từ khi bắt đầu mãn kinh mới chấm dứt được hoàn toàn hiện tượng này.
Nguyên nhân phụ nữ mãn kinh bị bốc hỏa
Nguyên nhân gây ra bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh
Các bác sĩ chuyên khoa cho rằng các cơn bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh có mối liên hệ mật thiết với sự suy giảm nội tiết tố estrogen thời kỳ mãn kinh. Khi lượng estrogen giảm xuống, trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi sẽ trở nên nhạy cảm hơn với những thay đổi nhỏ của nhiệt độ cơ thể. Khi vùng dưới đồi cho rằng cơ thể bạn đang quá ấm, nó sẽ ra lệnh khởi phát một chuỗi sự kiện nhằm hạ nhiệt cho bạn. Kết quả là, một cơn bốc hỏa sẽ bùng lên.
Mặt khác, rất hiếm khi tình trạng bốc hỏa xảy ra ở độ tuổi mãn kinh là do một nguyên nhân khác, tuy nhiên, cũng không thể loại trừ hoàn toàn những trường hợp này. Đó là các bệnh lý tuyến giáp như cường giáp, liệu pháp điều trị bằng thuốc như tamoxifen cho bệnh ung thư vú, raloxifene cho bệnh loãng xương.
Thông thường, các nguyên nhân khác này sẽ được cân nhắc khi người phụ nữ đang bị bốc hỏa có độ tuổi còn trẻ hơn nhiều với độ tuổi mãn kinh (40 tuổi).
Yếu tố nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng bốc hỏa
Bên cạnh nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bốc hỏa, chị em cần chú ý một số yếu tố nguy cơ có thể làm trầm trọng hơn tình trạng này:
Béo phì: phụ nữ béo phì có nồng độ estrone (một trong ba loại estrogen nội sinh) trong huyết thanh cao hơn do cơ thể tăng chuyển đổi của androstenedione trong mô mỡ, tuy nhiên, nghịch lý là họ lại dễ bị bốc hỏa hơn những người có chỉ số BMI bình thường.
Hút thuốc lá: nghiên cứu của Tiến sĩ Hsin-Fang Chung từ Đại học Queensland (Úc) trên 21.460 phụ nữ 50 tuổi đã chỉ ra rằng những phụ nữ hút thuốc có nguy cơ gặp tình trạng bốc hỏa trầm trọng cao hơn tới 80% so với những người chưa bao giờ hút thuốc.
Căng thẳng tâm lý: tình trạng bốc hỏa dễ khiến tâm trạng chị em dễ cáu gắt, nổi nóng. Ngược lại, khi tâm lý căng thẳng, các cơn bốc hỏa có xu hướng diễn ra thường xuyên với mức độ nghiêm trọng hơn.
Thực phẩm nhiều gia vị: đồ ăn chứa nhiều gia vị cay nóng hoặc nhiều chất tạo ngọt có thể khiến cơ thể phụ nữ bị nóng trong, dẫn tới kích hoạt các cơn bốc hỏa với tần suất dày đặc hơn.
Rượu: tiêu thụ nhiều rượu bia có thể làm giảm nồng độ estrogen trong cơ thể, dẫn tới trung tâm điều nhiệt vùng dưới đồi càng trở nên nhạy cảm và tình trạng bốc hỏa ngày càng trầm trọng hơn.
Bốc hỏa tuổi mãn kinh có nguy hiểm không?
Tuy không phải là một tình trạng nguy hiểm nhưng bốc hỏa có thể ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày và chất lượng cuộc sống của bạn.
Cơn bốc hỏa về đêm có thể gây rối loạn giấc ngủ đáng kể ở nhiều phụ nữ mãn kinh. Triệu chứng nóng bừng đột ngột và vã mồ hôi thường dễ dàng đánh thức họ và ngay cả khi cơn bốc hỏa qua đi, chị em cũng khó mà ngon giấc. Mặt khác, gián đoạn giấc ngủ dai dẳng lại càng làm trầm trọng thêm chứng bốc hỏa và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác như căng thẳng tâm lý, trầm cảm, mất ngủ mãn tính.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những phụ nữ mãn kinh bị bốc hỏa mức độ nặng sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và loãng xương cao hơn so với những phụ nữ bị bốc hỏa nhẹ.
Cách kiểm soát hiệu quả bốc hỏa tuổi mãn kinh
Nhiều phụ nữ học cách sống chung với những cơn bốc hỏa thời kỳ mãn kinh, nhưng nếu chúng thực sự làm phiền và cản trở cuộc sống của bạn, hãy nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa để có phương pháp kiểm soát hiệu quả hiện tượng này.
Biện pháp hành vi
Các biện pháp hành vi giúp kiểm soát tốt triệu chứng bốc hỏa như bất kỳ loại thuốc nào bạn dùng. Một lối sống lành mạnh có thể làm giảm cả tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn bốc hỏa, đồng thời giúp cải thiện nhiều vấn đề sức khỏe tuổi mãn kinh khác như giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tăng cường sinh lý nữ.
☛ Thiền
Thiền cũng có thể rất thành công trong việc giúp giảm nhẹ mức độ căng thẳng ở phụ nữ do các cơn bốc hỏa gây ra. Mặc dù không được chứng minh là làm giảm các cơn bốc hỏa, nhưng thiền có thể giúp bạn lấy lại sự thăng bằng tâm lý và không bị làm phiền quá nhiều bởi tình trạng bốc hỏa.
☛ Chế độ ăn uống
Tránh cafein, thức ăn cay và rượu có thể giúp làm giảm cả số lượng và mức độ nghiêm trọng của các cơn bốc hỏa. Bên cạnh đó, chị em cũng cần lưu ý bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để cơ thể tránh bị suy nhược. Các thực phẩm giàu estrogen có thể rất hữu ích trong việc hỗ trợ làm giảm nhẹ tình trạng bốc hỏa.
Xem thêm: Những thực phẩm bổ sung estrogen
☛ Tránh hút thuốc
Bỏ thuốc lá có một tầm quan trọng kép trong thời kỳ mãn kinh. Bên cạnh việc giúp ngăn chặn nguy cơ khiến tình trạng bốc hỏa trở nên trầm trọng, bỏ hút thuốc còn giúp chị em cải thiện sức khỏe nói chung và tránh được nhiều bệnh lý nguy hiểm như bệnh tim, đột qụỵ, ung thư phổi.
☛ Kiểm soát cân nặng
Như đã đề cập, phụ nữ béo phì có xu hướng bốc hỏa khó chịu hơn, do đó, với những người thừa cân, giảm cân có thể hữu ích trong việc đẩy lùi các cơn bốc hỏa. Tuy nhiên, chị em không được vội vã giảm cân bằng bất cứ giá nào, hãy cân nhắc biện pháp giảm cân lành mạnh bằng chế độ ăn uống và tập luyện để cải thiện sức khỏe về lâu về dài.
☛ Giữ cho cơ thể mát mẻ
Bằng cách giữ cho cơ thể luôn mát mẻ, bạn có thể giảm đáng kể các cơn bốc hỏa làm phiền đến mình:
- Mặc quần áo nhiều lớp, ngay cả trong những ngày lạnh giá nhất để bạn có thể dễ dàng cởi bớt quần áo của mình khi cơn bốc hỏa bùng lên.
- Giữ cho không gian sống luôn mát mẻ bằng cách sử dụng quạt hoặc máy điều hòa không khí nếu cần.
- Chú ý đến chất liệu của quần áo, ga giường, nên lựa chọn những chất liệu thoáng mát và có khả năng thấm hút mồ hôi tốt, chẳng hạn như cotton.
- Khi cảm thấy cơ thể bắt đầu hơi nóng lên, hãy nhâm nhi một ly nước mát lạnh để hạ nhiệt.
☛ Tránh các yếu tố kích hoạt cơn bốc hỏa
Bạn có thể giảm tần suất các cơn bốc hỏa nếu tìm ra các yếu tố kích hoạt chúng. Mặc dù điều này sẽ không ngăn chặn hoàn toàn các cơn bốc hỏa, nhưng có thể làm giảm đáng kể tần suất bốc hỏa.
Đối với hầu hết phụ nữ, cà phê và rượu vang đỏ có thể kích hoạt một cơn bốc hỏa lên mặt. Bên cạnh đó, một số loại thuốc bạn đang sử dụng, chẳng hạn như raloxifene cho bệnh loãng xương cũng có thể gây ra cơn bốc hỏa. Do đó, hãy thảo luận lại việc dùng thuốc với bác sĩ của bạn nếu nghi ngờ về tình trạng này.
Các biện pháp hành vi phát huy khả năng kiểm soát chứng bốc hỏa mãn kinh trong hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên, với những chị em có tình trạng bốc hỏa ở mức độ từ trung bình đến nặng thì cần phối hợp thêm phương pháp điều trị khác thì mới có thể kiểm soát tốt nhất triệu chứng này.
Thuốc kê đơn khác
Đối với những phụ nữ không muốn sử dụng liệu pháp hormone, hoặc không thể sử dụng do nguy cơ đe dọa sức khỏe, các loại thuốc không chứa hormone như gabapentin, chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) và clonidine có thể hiệu quả để giúp bạn khắc phục tình trạng này.
Liệu pháp thay thế hormone
Trong thời kỳ mãn kinh, buồng trứng bắt đầu hoạt động kém hơn và kém hơn và việc sản xuất estrogen giảm dần theo thời gian. Thay đổi này gây ra các cơn bốc hỏa và các triệu chứng mãn kinh khác. Liệu pháp thay thế hormone giúp ổn định lại nồng độ estrogen trong cơ thể, từ đó giúp phụ nữ giảm hiệu quả tình trạng bốc hỏa.
Tuy nhiên, bên cạnh tính hiệu quả, liệu pháp hormone cũng có những rủi ro nghiêm trọng liên quan tới các bệnh tim mạch, đột quỵ, cục máu đông, ung thư vú. Nguy cơ xuất hiện những rủi ro này khác nhau tùy theo độ tuổi và tình trạng tử cung còn hay đã cắt bỏ ở phụ nữ.
Với những phụ nữ đã cắt bỏ tử cung, có thể chỉ cần sử dụng estrogen đơn thuần. Còn với chị em vẫn còn tử cung, nên dùng estrogen kết hợp với progesterone để bảo vệ tử cung, tránh rủi ro ung thư nội mạc tử cung. Tuy nhiên, việc phối hợp Progesterone và estrogen dường như cũng làm tăng nguy cơ đông máu và đột quỵ.
Lưu ý: liệu pháp hormone estrogen thường không được sử dụng trong những trường hợp chị em đã từng mắc hoặc có nguy cơ cao với ung thư vú hoặc nội mạc tử cung, bệnh tim, đột quỵ, cục máu đông. Do đó, hãy cung cấp đầy đủ cho bác sĩ về tiền sử bệnh lý của bạn, để bác sĩ có thể đề xuất một phương án điều trị chứng bốc hỏa phù hợp và an toàn nhất.
Tìm đọc thêm: Bài thuốc trị bốc hỏa tiền mãn kinh