Dư thừa nội tiết tố nữ gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sinh lý nữ. Đây cũng được coi là một yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển một số căn bệnh nguy hiểm như ung thư vú, tuyến giáp, ung thư buồng trứng, tim,… Vậy nguyên nhân dư thừa nội tiết tố nữ do đâu và cách điều trị như thế nào? Cùng chúng tôi giải đáp qua bài viết dưới đây!
Mục lục
Thừa nội tiết tố nữ là gì?
Nội tiết tố nữ Estrogen là một loại hormone rất cần thiết cho sức khoẻ của nữ giới và sự phát triển bộ phận sinh dục. Estrogen giúp điều chỉnh lượng cholesterol trong máu, duy trì sức khỏe của xương và ảnh hưởng đến tâm trạng. Ở phái nữ, estrogen có thể ảnh hưởng đến thời kỳ mang thai, tuổi dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt và thời kỳ mãn kinh.
Estrogen có 3 loại chính:
- Estrone (E1): Đây là loại estrogen chính ở nam giới và phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh. Buồng trứng và nhau thai ở phụ nữ, tinh hoàn ở nam hay các mô mỡ sẽ sản sinh estrone từ androstenedione hoặc androgen.
- Estradiol (E2): Có thể nói đây là loại estrogen mạnh nhất và nó đạt đến nồng độ cực ngưỡng khi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Estrogen được bác sĩ xem là dấu hiệu để quan sát sức khỏe buồng trứng.
- Estriol (E3): Estrogen này được sản sinh tại nhau thai và sẽ đạt mức cao nhất trong giai đoạn thai kỳ. Lượng estriol sẽ tăng cao theo thời gian phát triển của thai kỳ.
Sự thay đổi nồng độ estrogen sẽ ảnh hưởng đến nhiều vùng của cơ thể như hệ thống sinh sản, mô vú, làn da, xương, cơ và não. Sự thay đổi này cũng có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến nam giới.
Khi người phụ nữ có lượng estrogen cao hơn progesterone, tình trạng này được gọi là thừa estrogen tương đối hay estrogen ưu thế, sự thống trị của estrogen (Estrogen dominance).
Dấu hiệu khi thừa nội tiết tố nữ
Dấu hiệu để nhận biết thừa nội tiết tố nữ ở phụ nữ như sau:
- Tăng cân không kiểm soát, đặc biệt là vùng eo và hông.
- Các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt xuất hiện ngày càng nhiều.
- Mệt mỏi, không có tâm trạng, stress, căng thẳng kéo dài.
- Vú căng và đau.
- Rối loạn kinh nguyệt.
- Giảm ham muốn tình dục.
- Đầy hơi, khó tiêu.
- Thường xuyên nhức đầu.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Rụng tóc.
Nguyên nhân gây thừa nội tiết tố nữ
Nguyên nhân gây thừa nội tiết tố nữ có thể chia làm 3 nhóm:
- Sự sản xuất estrogen quá mức của cơ thể. Chẳng hạn như u vùng hạ đồi tuyến yên gây tăng kích thích sản sinh estrogen, u buồng trứng, u thượng thận tiết estrogen (hiếm gặp) hoặc do sử dụng thuốc estrogen ngoại sinh quá nhiều.
- Rối loạn chuyển hoá estrogen. Ví dụ như uống quá nhiều rượu làm giảm khả năng chuyển hóa hormone estrogen hay nói cách khác, estrogen không được chuyển hoá thành hoạt chất có lợi cho cơ thể.
- Rối loạn bài tiết estrogen. Ví dụ, khi gan hoạt động kém có thể làm giảm khả năng chuyển hoá và loại trừ estrogen dư thừa ra khỏi cơ thể.
Với bất kỳ nhóm nguyên nhân nào được kể trên đều có thể gây ra tình trạng mất cân bằng nội tiết tố nữ.
Bên cạnh đó, khi cơ thể mắc một số bệnh lý hay dùng thuốc gây giảm sản xuất progesterone ở nữ và testosterone ở nam. Điều này tạo ra sự tăng tương đối của estrogen so với hai loại hormone này.
Các yếu tố có thể làm tăng estrogen bao gồm:
- Thuốc: Nhiều chị em thường sử dụng liệu pháp hormone để điều trị nồng độ estrogen thấp. Tuy nhiên, nếu sử dụng không hợp lý có thể khiến dư thừa nồng độ estrogen. Bạn sẽ mất một thời gian khá dài để điều chỉnh lượng hormone phù hợp.
- Mỡ trong cơ thể: Mô mỡ có thể tiết ra estrogen. Những người có tỷ lệ mỡ trong cơ thể cao sẽ dẫn đến nồng độ estrogen trong cơ thể cao.
- Stress, căng thẳng: Khi căng thẳng, stress, cơ thể sẽ tiết ra một loại hormone cortisol để điều hoà tâm trạng. Điều này có thể làm suy giảm khả năng sản xuất progesterone, khiến estrogen trong cơ thể không được kiểm soát bởi progesterone.
- Rượu bia: Uống quá nhiều rượu bia cũng có thể làm tăng nồng độ estrogen và giảm khả năng chuyển hoá estrogen trong cơ thể.
- Mắc các bệnh lý về gan: Gan phá vỡ và loại bỏ estrogen ra khỏi cơ thể. Nếu gan hoạt động không bình thường, lượng estrogen trong cơ thể không được loại bỏ dẫn đến tích tụ và thừa nội tiết tố nữ.
- Xenoestrogen tổng hợp: Xenoestrogen tổng hợp là những chất hoá học được tìm thấy trong môi trường. Chúng hoạt động tương tự như estrogen khi đi vào cơ thể và sẽ là tăng lượng hormone nội tiết tố. Xenoestrogen gồm các loại như phthalates và bisphenol A (BPA). Cả hai loại hoá chất này đều được sử dụng để sản xuất nhựa, thuốc trừ sâu, nước tẩy rửa gia dụng hay một số loại dầu gội đầu, xà phòng.
Thừa nội tiết tố nữ có nguy hiểm không?
Tuỳ vào độ tuổi và giới tính mà nồng độ estrogen tăng lên trong cơ thể là khác nhau. Tình trạng dư thừa nội tiết tố nữ trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể đối mặt với những biến chứng nguy hiểm như:
- Tăng huyết áp và giảm lượng canxi trong máu gây loãng xương, gãy xương,..
- Ung thư vú.
- Ung thư cổ tử cung.
- Ung thư buồng trứng.
- Ung thư nội mạc tử cung.
Việc dư thừa estrogen sẽ gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong. Vì thế, khi cơ thể có các dấu hiệu thừa nội tiết tố, hãy đến bệnh viện gặp bác sĩ và làm xét nghiệm đo nồng độ estrogen trong máu. Từ đó, sẽ có những biện pháp điều trị phù hợp.
☛ Tham khảo tại: Estrogen tăng cao có nguy hiểm không?
Phương pháp chẩn đoán thừa nội tiết tố
Việc chẩn đoán thừa nội tiết tố nữ có thể chỉ cần dựa vào hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng, đặc biệt là ở nữ.
Bên cạnh đó, để xác định chẩn đoán chắc chắn hơn, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh làm thêm một số xét nghiệm để đo nồng độ estrogen (phần lớn là estradiol), testosterone, progesterone trong máu, nước tiểu và các hình ảnh học, xét nghiệm khác tuỳ theo định hướng chẩn đoán.
☛ Tham khảo thêm tại: Estrogen và progesterone khác nhau như thế nào?
Nồng độ estrogen trong máu có thể thay đổi tùy vào lứa tuổi, chu kỳ kinh nguyệt và giới tính của từng người. Vì thế, bạn cần tham khảo với ngưỡng giá trị bình thường của phòng xét nghiệm và cần xác định chu kỳ kinh nguyệt của bản thân là ngày nào để biết chuẩn xác cơ thể có bị thừa nội tiết tố nữ hay không.
Dưới đây là bằng giá trị tham khảo:
Trẻ dưới 10 tuổi | Nam giới trưởng thành | Nữ giới trưởng thành | |
Estradiol máu (pg/mL) | Dưới 15 pg/mL | 10 – 50 pg/mL | Pha nang trứng: 20 – 350 pg/mL. |
Pha rụng trứng: 150 – 750 pg/mL. | |||
Pha thể vàng: 30 – 450 pg/mL. | |||
Sau mãn kinh: ≤ 20 pg/mL. | |||
Estradiol/nước tiểu 24h (mcg/24h) | 0 – 6 mcg/24h | 0 – 6 mcg/24h | Pha nang trứng: 0 – 13 mcg/24h. |
Pha rụng trứng: 4 – 14 mcg/24h. | |||
Pha thể vàng: 4 – 10 mcg/24h. | |||
Sau mãn kinh: 0 – 4 mcg/24h. |
Điều trị thừa nội tiết tố
Tùy vào từng nguyên nhân thừa nội tiết nữ, bác sĩ sẽ đưa ra các lựa chọn điều trị phù hợp cho bạn. Trong một số trường hợp, thay đổi lối sống có thể sẽ đem lại hiệu quả điều trị cao.
Nếu trong trường hợp estrogen cao làm tăng nguy cơ mắc ung thư và làm bệnh trầm trọng, bác sĩ sẽ đề xuất các phương pháp điều trị tích cực hơn.
Trên thị trường hiện nay, các loại thuốc làm giảm trực tiếp estrogen rất ít. Điều cần thiết là phải xác định được nguyên nhân gây bệnh và điều trị. Ngoài ra, bác sĩ có thể điều chỉnh đơn thuốc nếu hormone bạn đang sử dụng gây tăng nồng độ estrogen trong máu.
Các loại thuốc thường được bác sĩ sử dụng kê đơn bao gồm:
- Thuốc ức chế Aromatase: Loại thuốc này thường được sử dụng để điều trị ung thư vú với khả năng ngăn chặn các tế bào mỡ tạo ra estrogen. Các chất ức chế Aromatase bao gồm Exemestane (Aromasin), Anastrozole (Arimidex) và Letrozole (Femara).
- Chất chủ vận hormone giải phóng Gonadotropin (GnRH): GnRH có tác dụng ngăn chặn buồng trứng giải phóng estrogen.
Cách phòng ngừa tình trạng thừa nội tiết tố
Dưới đây, chúng tôi sẽ mách bạn một số cách phòng ngừa tình trạng thừa nội tiết tố đơn giản nhưng rất hiệu quả:
Thay đổi lối sống
Như đã đề cập ở trên, thay đổi lối sống sẽ cải thiện được đáng kể tình trạng thừa nội tiết tố. Chẳng hạn:
- Giữ cân nặng hợp lý.
- Ngủ đủ giấc khoảng 6-8 tiếng mỗi ngày.
- Hạn chế căng thẳng, stress, lo âu, giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ.
- Tránh tiếp xúc với xenoestrogen tổng hợp, tránh thuốc trừ sâu có chứa xenoestrogen bằng cách lựa chọn các thực phẩm hữu cơ tự nhiên.
- Nên sử dụng các sản phẩm thịt không chứa hormone, mua các mặt hàng chứa trong hộp giấy và thuỷ tinh, hạn chế sử dụng hộp nhựa tối đa nhất có thể
- Thường xuyên tập thể dục thể thao khoảng 30-60 phút/ ngày, nên tập các bài tập nhẹ nhàng như yoga, chạy bộ, đạp xe, ngồi thiền,…
Chế độ dinh dưỡng
- Thực hiện chế độ ăn ít chất béo, nhiều chất xơ và ít đường.
- Ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt: hạt điều, hạnh nhân, hạt hướng dương,… và các loại hoa quả tươi: nho, xoài, bưởi, dâu tây, việt quất,…
- Bổ sung thêm axit béo omega-3 vào chế độ ăn uống.
- Hạn chế các thực phẩm nhiều dầu mỡ, chiên xào, cay nóng, các loại thịt đỏ (bò, ngựa, dê, cừu,…).
- Không sử dụng các loại đồ uống có cồn, gas như rượu, bia, nước ngọt có gas, cafe và thuốc lá.
☛ Đọc thêm: Thừa estrogen nên ăn gì?
Lời kết
Thừa nội tiết tố nữ có thể làm tăng nguy cơ mắc phải nhiều căn bệnh nguy hiểm. Vì thế, nếu gặp phải các dấu hiệu nghi ngờ thừa estrogen, hãy đến bệnh viện để thăm khám và thực hiện các xét nghiệm có liên quan. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp can thiệp kịp thời nhất!