Rối loạn nội tiết tố là một trong những vấn đề thường gặp ở phụ nữ, trong bất cứ độ tuổi nào. Để việc điều trị đạt hiệu quả cao, cần xác định được nguyên nhân gây rối loạn nội tiết tố nữ.
Mục lục
- 1. Tổng quan nguyên nhân gây rối loạn nội tiết tố nữ
- 2. Phân tích chi tiết nguyên nhân gây rối loạn nội tiết tố nữ
- 2.1. Nguyên nhân 1: Quá trình tự nhiên xảy ra ở một số giai đoạn phát triển
- 2.2. Nguyên nhân 2: Thói quen không lành mạnh
- 2.3. Nguyên nhân 3: Tập thể dục với cường độ cao
- 2.4. Nguyên nhân 4: Chế độ ăn uống kém
- 2.5. Nguyên nhân 5: Do điều trị hóa trị liệu
- 2.6. Nguyên nhân 6: Ngủ không đủ giấc
- 2.7. Nguyên nhân 7: Phẫu thuật cắt bỏ tử cung
- 2.8. Nguyên nhân 8: Phơi nhiễm môi trường độc hại
- 2.9. Nguyên nhân 9: Khói thuốc lá
- 2.10. Nguyên nhân 10: Béo phì
- 2.11. Nguyên nhân 11: Sử dụng thuốc
- 2.12. Nguyên nhân khác
- 3. Bạn có đang rối loạn nội tiết tố nữ
- 4. Kết luận
Tổng quan nguyên nhân gây rối loạn nội tiết tố nữ
Nguyên nhân gây rối loạn nội tiết tố nữ có rất nhiều, thường gặp nhất là:
- Bước vào một số giai đoạn tự nhiên của cuộc đời: đến tuổi dậy thì; khi hành kinh; mang thai, sinh con và cho con bú; tiền mãn kinh, mãn kinh (lão hóa)
- Thói quen không lành mạnh
- Tập thể dục với cường độ cao
- Chế độ ăn uống kém
- Hóa trị liệu
- Ngủ không đủ giấc
- Phẫu thuật cắt tử cung
- Phơi nhiễm môi trường độc hại
- Hút thuốc lá
- Béo phì
- Sử dụng một số loại thuốc
- Nguyên nhân khác
☛ Xem đầy đủ: Những điều cần biết về rối loạn nội tiết tố nữ
Sau đây chúng ta cùng phân tích chi tiết những nguyên nhân này.
Phân tích chi tiết nguyên nhân gây rối loạn nội tiết tố nữ
Nguyên nhân 1: Quá trình tự nhiên xảy ra ở một số giai đoạn phát triển
Tuổi dậy thì. Là quá trình đánh dấu sự trưởng thành về thể chất và tình dục của một bé gái hay bé trai. Ở bé gái, độ tuổi này, cơ thể bắt đầu sản xuất hormone nữ để chúng thực hiện đúng vai trò và chức năng của mình, giúp cơ thể phát triển đầy đủ. Tuy nhiên, do hệ thống nội tiết còn non trẻ và mới đi vào hoạt động, nên chưa được ổn định, dẫn tới là sự rối loạn nội tiết tố tự nhiên ở độ tuổi này. Biểu hiện thường thấy nhất chính là rối loạn kinh nguyệt, mụn trứng cá…
Mang thai, sinh con và cho con bú. Thời kì này, rất nhiều nội tiết tố trong cơ thể người phụ nữ có sự thay đổi, nhằm giúp cho sự phát triển bình thường của thai nhi. Sự mất cân bằng nội tiết trong thai kì được coi như là một phần của thai kì và sẽ kết thúc sau khi sinh 6-8 tuần. Một số triệu chứng có thể kéo dài cho đến khi trẻ được cai sữa.
Tiền mãn kinh, mãn kinh (giai đoạn lão hóa). Khi phụ nữ đến tuổi tiền mãn kinh (khoảng 40 tuổi), nồng độ nội tiết nữ sẽ rối loạn, lên xuống thất thường. Tới tuổi mãn kinh (khoảng 50 tuổi), hormone nữ sẽ giảm mạnh. Dẫn tới một loạt những triệu chứng điển hình như: bốc hỏa, đổ mồ hôi, rối loạn giấc ngủ, xuống sắc, suy giảm ham muốn tình dục, .v.v. Sự rối loạn và suy giảm nội tiết tố estrogen này là giai đoạn mà bất kì người phụ nữ nào cũng phải trải qua..
Nguyên nhân 2: Thói quen không lành mạnh
Thói quen không lành mạnh có thể làm vấy bẩn bức tranh giữa cuộc đời bạn bằng cách đẩy nhanh tốc độ suy giảm nội tiết tố và lão hóa sớm. Một số thói quen không lành mạnh có thể gây rối loạn nội tiết tố nữ đó là:
- Thức khuya
- Thường xuyên sử dụng các chất kích thích
- Không tập luyện thể thao
- Ăn uống không đủ chất
- Stress, căng thẳng kéo dài
- .v.v.
Nguyên nhân 3: Tập thể dục với cường độ cao
Tập thể dục rất tốt cho sức khỏe, nhưng nếu tập thể dục với cường độ cao trong một thời gian dài, hệ thống nội tiết có thể bị rối loạn. Tiến sĩ Gottfried nói rằng, có 5 hormone bị ảnh hưởng bởi thói quen tập thể dục của bạn, gồm: irisin, estrogen, testosterone, hormone tăng trưởng của con người và cortisol.
Khi bạn tập thể dục với cường độ cao thường xuyên, cơ thể sẽ ưu tiên sử dụng năng lượng cho các hoạt động thể chất cường độ cao; các quá trình không thiết yếu sẽ bị hạn chế, chẳng hạn như xây dựng và tái tạo xương. Điều này dẫn tới việc cơ thể sản xuất ít nội tiết tố nữ hơn (estrogen đóng vai trò trong việc hình thành xương, giúp xương chắc khỏe).
Rối loạn nội tiết tố nữ do tập thể dục cường độ cao thường xảy ra ở những vận động viên nữ chuyên nghiệp.
Nguyên nhân 4: Chế độ ăn uống kém
Những gì chúng ta ăn uống làm nên cơ thể của chúng ta. Vì thế một chế độ ăn uống kém, không khoa học có thể dẫn tới rối loạn nội tiết tố.
Ví dụ, bạn đang trong chế độ ăn kiêng và tìm cách cắt giảm lượng calo mỗi ngày xuống thấp hơn so với nhu cầu mà cơ thể cần, chỉ sau 3 tháng bạn sẽ thấy nội tiết tố của mình rối loạn, với biểu hiện ban đầu dễ thấy nhất là rối loạn chu kì kinh nguyệt.
Hoặc nếu bạn có một chế độ ăn uống với nhiều thực phẩm chứa carbohydrate đơn, đường. Theo thời gian nó sẽ làm tăng mức cortisol trong cơ thể. Nồng độ cortisol cao có thể có ảnh hưởng đến lượng progesterone và estrogen được sản xuất.
☛ Tham khảo thêm: Các thực phẩm giàu estrogen
Nguyên nhân 5: Do điều trị hóa trị liệu
Hóa trị liệu được sử dụng để điều trị ung thư. Các loại thuốc hóa trị sẽ tiêu diệt các tế bào sinh trưởng nhanh, là đặc tính của tế bào ung thư, nhưng đồng thời nó cũng gây ra nhiều tác dụng phụ với những tế bào khác trong cơ thể.
Mỗi loại thuốc có những tác dụng phụ khác nhau và một số loại thuốc có thể khiến buồng trứng ngừng hoạt động, dẫn đến việc cơ thể ngừng sản xuất nội tiết tố nữ và gây ra các triệu chứng giống như là bước vào thời kì mãn kinh. Người ta gọi tình trạng này là mãn kinh y tế.
Nguyên nhân 6: Ngủ không đủ giấc
Giấc ngủ là một quá trình sinh học phức tạp và thiết yếu hàng ngày với tất cả mọi người, bất kể tuổi tác, giới tính hay dân tộc. Thay đổi nội tiết có thế tàn phá giấc ngủ của bạn, và ngược lại, thiếu ngủ cũng làm ảnh hưởng đến mức độ hormone trong cơ thể.
Ngoài việc duy trì hoạt động bình thường của não, giấc ngủ còn có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các chức năng của nhiều hệ thống khác trong cơ thể, và điều này trở nên rất rõ ràng trong tình trạng thiếu ngủ. Khi bạn ngủ không đủ giấc, nó sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ chức năng trong cơ thể bạn, từ hệ miễn dịch, khả năng nhận thức đến hệ thống nội tiết. Thiếu ngủ làm hệ thống nội tiết rối loạn, dẫn tới gián đoạn sản xuất nội tiết tố.
Nguyên nhân 7: Phẫu thuật cắt bỏ tử cung
Phẫu thuật cắt tử cung là một thủ tục phẫu thuật nhằm loại bỏ tử cung của bạn. Đây là một phẫu thuật lớn và được chỉ định như là phương sách cuối cùng nhằm điều trị một số bệnh lý ở hệ thống sinh sản, như: ung thư phụ khoa, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, sa tử cung…
Phẫu thuật cắt tử cung gồm nhiều loại. Phẫu thuật cắt tử cung một phần sẽ loại bỏ tử cung, cổ tử cung còn nguyên vẹn. Cắt tử cung toàn phần sẽ loại bỏ cả tử cung và cổ tử cung. Đôi khi phẫu thuật cắt tử cung bao gồm cả cắt bỏ một hoặc hai bên buồng trứng.
Buồng trứng là nơi sản xuất estrogen và progesterone. Nếu buồng trứng bị cắt bỏ, nó gây ra một tình trạng gọi là mãn kinh phẫu thuật, lúc này cơ thể hoàn toàn ngừng việc sản xuất nội tiết tố nữ. Tuy nhiên, ngay cả khi buồng trứng còn sót lại, việc cung cấp máu cho chúng cũng đã bị tổn hại, ảnh hưởng đến việc hoạt động của buồng trứng, từ đó làm tăng nguy cơ rối loạn nội tiết tố nữ.
Nguyên nhân 8: Phơi nhiễm môi trường độc hại
Những năm gần gây, nhiều hóa chất gây ô nhiễm đã được chứng minh là có khả năng can thiệp vào hoạt động của hệ thống nội tiết và được gọi là hóa chất gây rối loạn nội tiết (Endocrine disruptor – EDCs). Các hợp chất này tồn tại trong không khí dưới dạng các hợp chất dễ bay hơi hoặc bán bay hơi trong pha khí hoặc gắn với vật chất hạt.
Những hóa chất này xuất phát từ ô nhiễm, thuốc trừ sâu, khói sơn, các chất tẩy rửa gia dụng, khí thải xe hơi, hóa chất trong các loại sản phẩm và thự phẩm. Mỗi loại hóa chất sẽ làm hệ thống nội tiết rối loạn theo một cách khác nhau:
- Bắt chước kích thích tố
- Tăng sản xuất hormone
- Giảm sản xuất hormone
- Biến một hormone thành một hormone khác
- Can thiệp vào tín hiệu hormone
- Bảo các tế bào chết sớm
- Cạnh tranh với các chất dinh dưỡng thiết yếu
- Liên kết với nội tiết tố
- Tích lũy trong các cơ quan sản xuất hormone
Bisphenol A (BPA) và Phthalates là hai loại hóa chất gây rối loạn nội tiết nổi tiếng và phổ biến nhất trong môi trường.
BPA được coi là xenoestrogen, còn Phthalate là anti androgens.
Xenoestrogen. Xenoestrogen là một loại xenohormone bắt chước hoạt động của estrogen. Xeno có nghĩa là “ngoại lại”, vì thế có xenoestrogen cũng có thể được hiểu là các estrogen ngoại lai. Chúng có thể là hợp chất hóa học tổng hợp hoặc tự nhiên.
Xenoestrogens tàn phá sự cân bằng nội tiết tố và hệ thống nội tiết của bạn. Khi tích tụ trong cơ thể, xenoestrogen làm tăng mức độ estrogen, dẫn đến một tình trạng gọi là sự thống trị estrogen. Xenoestrogen cũng gây ra hàng loạt vấn đề khác, như: ung thư vú, tử cung, buồng trứng; vú bị xơ hóa; khối u xơ; u nang buồng trứng; lạc nội mạc tử cung; loãng xương; béo phì; dậy thì sớm; sảy thai; và thậm chí là bệnh tiểu đường.
Xenoestrogen có thể được tìm thấy ở bất kì đâu trong các vật dụng hằng ngày của chúng ta, như: chai nhựa, tupperware, sơn móng tay, các sản phẩm trang điểm, dầu gội đầu, ăn thực phẩm được lưu trữ trong hộp nhựa hoặc lon,…
[laytab]
Phthalate. Trái ngược với xenoestrogen, phthalate không bắt chước estrogen hay testosterone, mà nó là chất kháng androgen (androgen nhằm chỉ chung các nội tiết tố nam, tuy nhiên chúng cũng được sản xuất một lượng nhỏ ở nữ giới).
Phthalate ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng, từ đó gây ra các khiếm khuyết trong chức năng buồng trứng, và làm ảnh hưởng tới việc sản xuất nội tiết. Phơi nhiễm với phthalates là một mối quan tâm về sức khỏe cộng đồng, vì một số chất đã được xác định là chất độc sinh sản và là các hóa chất gây rối loạn nội tiết (EDCs). Ở nữ giới, phơi nhiễm nghề nghiệp mãn tính với mức độ cao của phthalates có liên quan đến việc giảm tỷ lệ mang thai và tỷ lệ sảy thai cao.
Phthalate chủ yếu được sử dụng làm chất hóa dẻo trong các sản phẩm tiêu dùng, y tế, xây dựng, dung môi trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân, và làm tá dược trong thuốc và chất bổ sung chế độ ăn uống. Phthalate cũng có mặt trong một số mặt hàng như: sàn, tấm lợp, thảm, rèm tắm, thiết bị đóng gói, bao bì thực phẩm và đồ uống, phụ tùng ô tô và thậm chí trong đồ chơi trẻ em.
Nguyên nhân 9: Khói thuốc lá
Khói thuốc lá chứa một hỗn hợp phức tạp các hóa chất và được cho là gây ra sự thay đổi đối với nhiều loại hormone, trong đó có nội tiết tố nữ.
Khi hút thuốc, khói thuốc sẽ làm ảnh hưởng đến chuyển hóa estrogen, khiến nồng độ estrogen suy giảm trầm trọng. Ngoài ra, ở độ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh, phụ nữ hút thuốc có lượng hormone giới tính cao hơn phụ nữ không hút, điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, tiểu đường và nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.
Nguyên nhân 10: Béo phì
Những phụ nữ béo phì thường gặp hiện tượng cường estrogen (dư thừa estrogen). Điều này xảy ra là do các tế bào mỡ có chứa enzyme aromatase, giúp chuyển đổi testosterone thành estrogen. Ở những phụ nữ thừa cân, các tế bào mỡ sẽ nhiều hơn bình thường, dẫn đến việc thừa estrogen. Ngoài ta, béo phì cũng làm giảm SHBG (một globulin liên kết với hormone giới tính), khi SHBG giảm, nồng độ estrogen sẽ tăng lên, gây rối loạn nội tiết tố nữ.
Nguyên nhân 11: Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc có thể làm tăng hoặc giảm nồng độ estrogen, từ đó gây rối loạn nội tiết tố. Ví dụ:
- Thuốc tránh thai nội tiết
- Thuốc thay thế hormone
- Một số loại thuốc kháng sinh
- Phenothiazine, thuốc kê đơn để điều trị một số rối loạn tâm thần hoặc cảm xúc
- vv
Nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân trên, một số vấn đề sức khỏe cũng có thể làm rối loạn nội tiết tố nữ, như:
- U buồng trứng
- Mắc các bệnh về gan
- Mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
- Suy buồng trứng nguyên phát (POI)
- Bệnh ung thư buồng trứng
Nhiều trường hợp bệnh nhân bị rối loạn nội tiết tố nữ nhưng lại không tìm được nguyên nhân mà chỉ nhận thấy các triệu chứng.
Bạn có đang rối loạn nội tiết tố nữ
Nếu nhận thấy mình có các dấu hiệu dưới đây, có thể bạn đang bị rối loạn nội tiết tố:
- Chu kì kinh không đều
- Các vấn đề về giấc ngủ
- Mụn trứng cá mãn tính
- Có vấn đề với trí nhớ
- Mệt mỏi liên tục
- Mệt mỏi liên tục
- Tâm trạng thất thường và trầm cảm
- Tăng cân hoặc giảm cân không rõ lý do
- Nhức đầu
- Khô âm đạo
- Suy giảm ham muốn tình dục
- Vú mềm, chảy xệ
- Thay đổi nhịp tim
- Xương giòn hoặc yếu
- Cáu kinh và hay lo lắng
- Tăng tần suất đi vệ sinh trong ngày
- Thay đổi khẩu vị
- Tóc mỏng, dễ gãy
- Da khô, xấu
- Nhạy cảm với lạnh hoặc nóng
- Mặt sưng
- Đổ mồ hôi nhiều
- Thay đổi huyết áp
- .v.v.
Kết luận
Nội tiết tố nữ là những “sứ giả hóa học” giúp điều chỉnh hệ thống sinh sản và ảnh hưởng đến nhiều hệ thống quan trọng khác trong cơ thể. Khi chúng có mặt trong cơ thể với số lượng và tỷ lệ thích hợp, chúng phối hợp với nhau để tăng cường sức khỏe và giúp sức khỏe của bạn được tối ưu nhất. Nếu bị rối loạn nội tiết tố nữ, hậu quả có thể xuất hiện khắp cơ thể, gây tổn hại cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người phụ nữ.
Vì thế, nếu gặp bất kì triệu chứng bất thường nào, bạn nên sớm tới các cơ sở y tế để được phát hiện và điều trị kịp thời. Khi nguyên nhân gây rối loạn nội tiết tố nữ được xác định chính xác, việc điều trị sẽ mang lại hiệu quả cao, giúp làm giảm các triệu chứng và những rủi ro sức khỏe.
Tham khảo thêm: 5 bài tập yoga tốt cho nội tiết tố nữ