Mất cân bằng nội tiết tố nữ có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như sức khỏe của người phụ nữ, và thậm chí là vô sinh. Vậy, nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này?
Mục lục
Nguyên nhân rối loạn nội tiết tố không do bệnh lý
Dậy thì
Dậy thì thường bắt đầu trong khoảng thời gian các bé gái từ 8 đến 14 tuổi. Đây là thời điểm đánh dấu một bé gái chính thức trở thành một thiếu nữ. Lúc này, buồng trứng của các bé gái bắt đầu hoạt động và sản xuất hormone, nồng độ nội tiết tố estrogen tăng lên để hoàn thiện hệ thống sinh sản cũng như nhiều vai trò giới tính khác.
Tuy nhiên, do ở giai đoạn này, buồng trứng chỉ vừa mới đi vào hoạt động nên chưa được “trơn tru, nhịp nhàng”, hậu quả xảy ra là nội tiết tố rất dễ mất cân bằng ở giai đoạn này. Theo một nghiên cứu trên NCBI, người ta nhận thấy rằng, nồng độ estrogen trong giai đoạn dậy thì và giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh là hỗ loạn nhất.
Mang thai, sinh con và cho con bú
Giai đoạn mang thai, người phụ nữ có rất nhiều những thay đổi trong hệ thống hormone, nhiều hormone mới được sinh ra, nhiều hormone lại được giảm tiết đi, tất cả những điều này gây ra sự xáo trộn và mất cân bằng của nội tiết tố nữ. Nhưng, nó nhằm đảm bảo để thai nhi được bảo vệ và phát triển, còn người mẹ thì có một thai kì khỏe mạnh.
Tiền mãn kinh
Thời kỳ tiền mãn kinh là giai đoạn xảy ra trước khi người phụ nữ mãn kinh thực sự, nó có thể kéo dài từ 2 tới 8 năm.
Trong giai đoạn này, mức độ estrogen – nội tiết tố chính trong cơ thể bạn tăng và giảm không đều, nó liên tục biến thiên nồng độ và rất khó để dự đoán khi nào nó sẽ tăng hoặc giảm. Thậm chí, nó có thể thay đổi nồng độ từ cao xuống thấp hoặc ngược lại chỉ trong một ngày.
Sự mất cân bằng nội tiết tố này sẽ diễn ra như vậy cho tới khoảng 1 năm trước thời kì mãn kinh, nồng độ estrogen sẽ tăng lên rồi liên tục suy giảm mạnh cho đến khi người phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh chính thức.
☛ Tham khảo thêm tại: Nên bổ sung estrogen cho phụ nữ mãn kinh như thế nào?
Chế độ ăn uống thiếu khoa học
Cơ thể chúng ta là những gì mà chúng ta ăn.
Một chế độ ăn nhiều chất béo có hại, nhiều đường, nhiều muối, ăn uống không cân bằng giữa các nhóm thực phẩm,… có thể dẫn đến tình trạng mất cân bằng nội tiết tố nữ. Thậm chí, nếu bạn thường xuyên ăn các loại thực phẩm không có lợi cho hệ tiêu hóa, nó còn có thể gây ra sự mất cân bằng đường ruột. Mất cân bằng đường ruột có thể dẫn đến sự mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh và hormone.
Không tập thể dục hoặc tập thể dục quá mức
Tất cả chúng ta đều biết tập thể dục là hoạt động rất tố cho sức khỏe tim mạch và sức khỏe toàn cơ thể. Nhưng ít ai biết rằng, thể dục thể thao còn tác động tới cả hệ thống nội tiết trong cơ thể. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, thường xuyên hoạt động thể chất sẽ kích thích hormone trên toàn cơ thể, giúp chúng duy trì ở nồng độ thích hợp và cân bằng.
Vì thế, việc không tập thể dục có thể khiến hệ thống nội tiết của bạn trở nên trì trệ và mất cân bằng. Nhưng có một mặt trái là việc tập thể dục quá mức cũng là nguyên nhân gây mất cân bằng nội tiết nữ estrogen, điều này thường xảy ra ở những vận động viên nữ chuyên nghiệp.
☛ Tham khảo thêm tại: 5 bài tập yoga giúp điều trị rối loạn nội tiết tố ngay tại nhà
Nhiễm xenoestrogen
Xenoestrogen là những chất hóa học không được tìm thấy trong tự nhiên, nó là những độc tố sản sinh ra do quá trình sản xuất và các hoạt động của con người. Các hoá chất này được gọi là “những kẻ giả mạo estrogen”, bởi chúng bắt chước những tác dụng của estrogen tự nhiên trong cơ thể, kích hoạt hoạt động của các tế bào đến mức không thể kiểm soát được. Chúng tàn phá cơ chế cân bằng bên trong của cơ thể, làm tăng nguy cơ gây ra nhiều bệnh mãn tính nguy hiểm, thậm chí là ung thư.
Một số hóa chất xenoestrogen là:
- Chăm sóc da: 4-Methylbenzylidene camphor (4-MBC) (tìm thấy trong kem chống nắng); Paraben (methylparaben, ethylparaben, propylparaben và butylparaben thường được sử dụng làm chất bảo quản); Benzophenone (kem chống nắng)
- Sản phẩm công nghiệp và nhựa: Bisphenol A (monome cho nhựa polycarbonate và nhựa epoxy; chất chống oxy hóa trong chất hóa dẻo); Phthalates (chất hóa dẻo); DEHP (chất hóa dẻo cho PVC); các ete biphenyl polybrominated (PBDEs) (chất chống cháy được sử dụng trong nhựa, bọt, vật liệu xây dựng, điện tử, đồ đạc, xe cơ giới); Polychlorination biphenyls (PCB).
- Các loại thuốc trừ sâu;
- .v.v.
Sử dụng một số loại thuốc tránh thai nội tiết tố
Thuốc tránh thai là một trong những biện pháp kiểm soát sinh sản phổ biến kể từ thập niên 60. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc này có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn, một trong số đó là làm mất cân bằng nội tiết tố nữ. Bởi, thuốc ngừa thai làm gián đoạn quá trình sản xuất hormone bình thường của cơ thể, nó có chứa các phiên bản tổng hợp estrogen và progesterone (được gọi là progestin) giúp ức chế quá trình rụng trứng, đánh lừa cơ thể bạn để nghĩ rằng nó đang mang thai.
Tìm đọc thêm: Rối loạn nội tiết tố nữ estrogen và progestin
Nguyên nhân rối loạn nội tiết tố do bệnh lý
Suy buồng trứng sớm
Còn được gọi là suy sinh dục nữ, tình trạng này xảy ra khi buồng trứng của phụ nữ không còn hoạt động bình thường trước tuổi 40. Do đó, buồng trứng không sản xuất đủ estrogen hoặc giải phóng trứng thường xuyên, gây mất cân bằng nội tiết, vô sinh, loãng xương, trầm cảm và nhiều vấn đề nguy hiểm khác.
Hội chứng buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang khiến phụ nữ bị mất cân bằng nội tiết tố, làm nồng độ androgen tăng cao trong khi các hormone sinh dục nữ như estrogen lại không có đủ. Điều này gây ra những biến chứng liên quan tới kinh nguyệt, vấn đề sinh sản cùng nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Hội chứng Hirsutism
Còn gọi là chứng rậm lông, là hiện tượng lông mọc quá mức so với bình thường tại một số nơi trên cơ thể, như: mặt, bụng, ngực, lưng,… Hiện tượng này xảy ra do sự sản xuất quá mức androgen (nội tiết tố nam) ở phụ nữ.
Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh
Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh (CAH) là một nhóm các rối loạn di truyền ảnh hưởng đến tuyến thượng thận. Bệnh được gây ra bởi các khiếm khuyết di truyền, ngăn cản các tuyến này sản xuất hormone một cách bình thường.
Hóa trị
Hóa trị một trong các phương pháp được sử dụng để điều trị ung thư, đây là hình thức sử dụng một hoặc nhiều loại thuốc kháng ung thư khác nhau để gây độc tế bào, nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư.
Tuy nhiên, các loại thuốc kháng ung thư có thể gây ra một số tác dụng phụ, và một trong số đó là làm buồng trứng ngừng hoạt động, dẫn đến ngừng sản xuất hormone, gây ra một vấn đề gọi là mãn kinh y tế. Mãn kinh y tế cũng gây ra các triệu chứng giống như mãn kinh tự nhiên, nhưng các triệu chứng này xuất hiện một cách đột ngột.
Làm phẫu thuật cắt bỏ tử cung, buồng trứng
Phẫu thuật cắt bỏ tử cung là một phương pháp phẫu thuật nhằm để loại bỏ một phần hoặc toàn phần tử cung, một hoặc cả hai buồng trứng, ống dẫn trứng,… Thủ thật này được tiến hành nhằm để khắc phục một số tình trạng bệnh lý ở hệ thống sinh sản của nữ giới.
Việc cắt bỏ tử cung, buồng trứng làm ảnh hưởng rất lớn tới việc sản xuất và cân bằng nội tiết tố của người phụ nữ.
Do các bệnh lý khác
Một số vấn đề sức khỏe khác cũng có thể gây mất cân bằng nội tiết tố là:
- Béo phì
- U buồng trứng
- Mắc các bệnh về gan
- .v.v.
Trong nhiều trường hợp, chúng ta không thể tìm ra được nguyên nhân rõ ràng của tình trạng mất cân bằng nội tiết tố. Bác sĩ chỉ có thể nhận thấy các triệu chứng và cố gắng hạn chế nó.
Kết luận
Trên đây không phải là một danh sách đầy đủ những nguyên nhân gây mất cân bằng nội tiết tố nữ. Chúng tôi chỉ nêu một số nguyên nhân chính thường gặp, từ đó giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về tình trạng này.
Việc xác định nguyên nhân của bất kể căn bệnh nào là việc làm hết sức cần thiết và quan trọng, nó giúp việc điều trị trở nên đúng và hiệu quả hơn.