Teo âm đạo là một vấn đề tế nhị nhưng đáng phải quan tâm, bởi nó có thể ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống cũng như hạnh phúc gia đình của người phụ nữ.
Mục lục
Tổng quan
Teo âm đạo là gì?
Teo âm đạo (còn được gọi là teo âm hộ, teo niệu sinh dục hoặc viêm teo âm đạo) là tình trạng niêm mạc âm đạo trở nên mỏng và khô hơn. Tình trạng này còn được gọi dưới thuật ngữ là hội chứng tiết niệu – mãn kinh (GSM).
Biến chứng của teo âm đạo
Nếu không điều trị, teo âm hộ có thể dẫn đến một số vấn đề về đường âm đạo, đường tiết niệu, đặc là đối với phụ nữ lớn tuổi giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh:
Teo âm đạo làm tăng nguy cơ nhiễm trùng âm đạo. Bởi nó làm thay đổi môi trường axit của âm đạo, khiến vi khuẩn, nấm men và các sinh vật khác có điều kiện phát triển mạnh mẽ.
Nó cũng làm tăng nguy cơ teo hệ tiết niệu, cơ quan sinh dục, gây ra tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) với các triệu chứng như: đi tiểu nhiều, nóng rát khi đi tiểu, tiểu không tự chủ hay tiểu khẩn cấp.
Hơn thế nữa, các triệu chứng của teo âm đạo có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tình dục và hưởng thụ cảm giác tình dục. Hoạt động tình dục là một phần rất quan trọng của sức khỏe tổng thể, nó giúp kích thích tuần hoàn máu trong âm đạo, giúp âm đạo luôn đàn hồi và được bôi trơn đầy đủ. Nhưng teo âm đạo lại khiến hoạt động này trở nên tồi tệ, đau đớn và sợ hãi. Theo thống kê, cứ 4 phụ nữ bị teo âm đạo lại có 1 phụ nữ báo cáo rằng tình trạng này ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống vợ chồng của họ và nhiều vấn đề khác trong cuộc sống, như: giấc ngủ, các hoạt động hằng ngày.
Triệu chứng teo âm đạo
Thông thường, khi bị teo âm đạo, bạn có thể gặp phải một số triệu chứng dưới đây:
- Khô âm đạo (khoảng 50% phụ nữ gặp phải triệu chứng này)
- Cảm giác ngứa hoặc nóng rát trong âm đạo
- Âm đạo mất màu và có mùi khó chịu
- Dịch âm đạo nhiều
- Khó chịu hoặc đau khi quan hệ tình dục
- Chảy máu nhẹ sau khi giao hợp
- Xuất hiện đốm máu giữa chu kì kinh nguyệt
- Gặp các vấn đề về đường tiết niệu: cảm giác nóng rát khi đi tiểu, tiểu nhiều lần, tiểu không tự chủ (tình trạng giải phóng nước tiểu ngoài ý muốn)
- .v.v.
Nguyên nhân
Suy giảm estrogen là nguyên nhân hàng đầu gây teo âm đạo. Bởi, estrogen có những vai trò rất quan trọng đối với niêm mạc âm đạo và hệ sinh thái niêm mạc âm đạo.
Niêm mạc âm đạo là một biểu mô rất nhạy cảm với nội tiết tố nữ estrogen. Khi phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ, dưới ảnh hưởng của estrogen, niêm mạc âm đạo rất dày (có trên 10 lớp tế bào), xếp nếp, đàn hồi và luôn được bôi trơn bởi dịch cổ tử cung.
Estrogen cũng thúc đẩy sự trưởng thành, tăng sinh và tích tụ glycogen trong các tế bào biểu mô âm đạo. Các loài Lactobacillus thường trú trong âm đạo sẽ chuyển hóa glycogen thành acid lactic làm cho môi trường âm đạo có pH acid (3,8 – 4,5), là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của Lactobacilli cùng nhiều loại vi khuẩn khác có lợi cho âm đạo.
Niêm mạc âm đạo cùng các vi sinh vật có lợi này tạo nên hệ sinh thái niêm mạc âm đạo. Cùng nhau, chúng tạo thành một hàng rào vật lý và sinh hóa giúp chống lại các sinh vật xâm nhập bên ngoài.
Vì thế, khi phụ nữ bị thiếu hụt estrogen, niêm mạc âm đạo sẽ trở nên mỏng hơn, dễ tổn thương hơn, pH âm đạo trở nên kiềm và rất dễ bị vi khuẩn lạ tấn công. Điều này gây ra tình trạng teo âm đạo.
Phụ nữ có thể bị suy giảm nội tiết tố vì nhiều lý do, như: bước vào tuổi tiền mãn kinh – mãn kinh, cho con bú, dùng một số loại thuốc ảnh hưởng đến hệ thống nội tiết, hút thuốc, chế độ ăn thiếu khoa học, thực hiện phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng, tử cung, xạ trị ung thư buồng trứng hoặc tử cung, tác dụng phụ của điều trị ung thư vú…
Đọc thêm về: Thiếu hụt estrogen tiền mãn kinh
Chẩn đoán
Teo âm đạo là một vấn đề cần được quan tâm đúng mức, thế nhưng chỉ khoảng 7% phụ nữ tìm cách điều trị khi thấy các dấu hiệu đầu tiên của bệnh.
Hãy lên lịch càng sớm càng tốt với bác sĩ nếu bạn quan hệ tình dục đau đớn (dù đã bôi trơn), chảy máu âm đạo bất thường, khô, nóng rát hoặc ngứa âm đạo.
Một số phụ nữ cảm thấy ngại và lúng túng khi nói chuyện với bác sĩ về vấn đề tế nhị này, tuy nhiên, hãy vượt qua cảm giác này vì điều quan trọng là tìm lời khuyên từ bác sĩ để tránh những biến chứng tiềm ẩn được đề cập ở trên.
Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi về lịch sử sức khỏe của bạn.
Nếu bạn là một phụ nữ trung niên, bác sĩ sẽ hỏi xem đã mãn kinh hay chưa, các triệu chứng mà bạn gặp phải là gì: thay đổi tâm trạng, bốc hỏa, khó ngủ, bốc hỏa đổ mồ hôi…
Nếu bạn là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, bác sĩ có thể hỏi bạn có đang cho con bú hay có kinh nguyệt không đều hay không.
Bác sĩ cũng sẽ xem xét lịch sử y tế và phẫu thuật của bạn, các loại thuốc mà bạn đang dùng.
Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra vùng chậu và bộ phận sinh dục ngoài của bạn để tìm các dấu hiệu của teo âm đạo, như:
- Niêm mạc âm đạo nhợt nhạt
- Mất tính đàn hồi
- Lông mu thưa
- Cơ quan sinh dục ngoài mỏng
- Phình ở thành âm đạo
- .v.v.
Song song với đó, bác sĩ có thể yêu cầu làm một số xét nghiệm như:
- Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung
- Xét nghiệm độ axit âm đạo
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm nước tiểu
- .v.v.
Nếu bạn đã mãn kinh và bị chảy máu sau khi giao hợp, bác sĩ có thể đề nghị kiểm tra ung thư nội mạc tử cung bằng cách làm sinh thiết nội mạc tử cung.
Điều trị
Có nhiều phương pháp điều trị teo âm đạo khác nhau, từ các biện pháp tự nhiên đến điều trị y tế.
Biện pháp tự nhiên
Có một số thay đổi trong lối sống có thể giúp phụ nữ giảm các triệu chứng teo âm đạo:
Bỏ hút thuốc. Bởi hút thuốc làm giảm nồng độ estrogen và làm tăng nguy cơ phát triển teo âm đạo, cũng như nhiều tình trạng sức khỏe khác.
Duy trì hoạt động tình dục. Hoạt động này làm tăng lưu lượng máu đến bộ phận sinh dục, giúp chúng khỏe mạnh và giữ được độ đàn hồi.
Tránh các sản phẩm tẩy rửa mạnh. Bạn không nên sử dụng các sản phẩm dung dịch vệ sinh có tính tẩy rửa mạnh bởi nó có thể làm mất cân bằng hệ sinh thái niêm mạc âm đạo, gây kích ứng âm đạo và gây khô.
Tập thể dục. Tập thể dục thường xuyên và hoạt động thể chất đầy đủ giúp hệ thống nội tiết hoạt động ổn định và cân bằng estrogen.
Uống đủ nước. Điều này có thể giúp duy trì độ ẩm trong cơ thể và âm đạo.
Sử dụng các sản phẩm bổ sung nội tiết. Bước vào tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh, phụ nữ cũng nên chủ động sử dụng thêm các sản phẩm, TPCN bổ sung nội tiết tố có nguồn gốc thiên nhiên. Phương pháp này mang lại hiệu quả dài lâu và ít tác dụng phụ, giúp phụ nữ:
- Giảm các triệu chứng: Bốc hỏa, mất ngủ, khô hạn;
- Đẹp da, trẻ hóa cơ thể, săn chắc vòng một;
- Bổ sung và cân bằng nội tiết tố.
Tuy nhiên, chị em nên lưu ý kiểm tra thật kỹ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không được cấp phép lưu hành…
Điều trị không kê đơn
Để giảm tình trạng khô âm đạo, bạn có thể sử dụng một số sản phẩm bôi trơn, dưỡng ẩm không kê đơn, như:
- Kem dưỡng ẩm âm đạo. Ví dụ: KY Liquibead, Repens, Sl Liquid,… để khôi phục lại độ ẩm cho khu vực âm đạo.
- Chất bôi trơn gốc nước. Ví dụ: Astroglide, KY Jelly, Sl Liquid,… Chúng được sử dụng ngay trước khi quan hệ và có thể làm giảm sự khó chịu trong khi giao hợp. Hãy lưu ý chọn các sản phẩm không chứa glycerin hoặc các đặc tính làm ấm, vì phụ nữ nhạy cảm với các chất này có thể bị kích ứng. Bạn cũng nên tránh các sản phẩm gốc dầu nếu bạn sử dụng bao cao su trong khi quan hệ, vì dầu có thể làm hỏng bao cao su.
Điều trị theo toa
Điều trị theo toa bao gồm các liệu pháp estrogen liều thấp, như:
- Kem estrogen đặt trong âm đạo khi đi ngủ;
- Vòng estrogen được đưa vào âm đạo sau mỗi ba tháng;
- Viên đặt estrogen được đưa vào âm đạo với một dụng cụ dùng một lần;
- Estrogen toàn thân, còn được gọi là liệu pháp hormone, có sẵn ở dạng viên thuốc, miếng dán, gel hoặc dạng xịt;
- Thuốc uống Ospemifene;
- Thuốc giãn âm đạo;
- .v.v.
Xem thêm: Thuốc tăng nội tiết tố nữ estrogen cho phụ nữ
Kết luận
Teo âm đạo là tình trạng do thiếu hụt nội tiết tố estrogen gây ra. Đối với nhiều phụ nữ, teo âm đạo không chỉ khiến sinh hoạt vợ chồng trở thành thảm họa, mà còn dẫn đến các bệnh về đường tiết niệu, âm đạo.
Vì thế, nếu thấy có triệu chứng, bạn nên sớm tới gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.