Nồng độ estrogen bình thường ở nữ dao động từ 50 pg/ml đến 400 pg/ml. Nếu hàm lượng này giảm xuống sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ cho sức khỏe, vóc dáng, làn da và sinh lý nữ. Vậy điều trị thiếu hụt estrogen gồm những phương pháp nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Mục lục
Vì sao thiếu hụt estrogen cần điều trị?
Hàm lượng estrogen trong cơ thể người phụ nữ cao nhất trong độ tuổi dậy thì và thời kỳ mang thai. Hàm lượng này sẽ giảm mạnh vào thời kỳ sau khi sinh và mãn kinh. Cứ 10 năm thì lượng hormone nội tiết tố trong cơ thể sẽ giảm đi 15%, đến khi 55 tuổi nồng độ này chỉ còn 10% so với khi còn trẻ.
Việc thiếu hụt estrogen gây ra nhiều thay đổi cho cơ thể người phụ nữ, vì thế việc điều trị là rất cần thiết để ngăn ngừa các tình trạng sau:
- Rối loạn kinh nguyệt: Kinh mau, kinh thưa, thiểu kinh, rong kinh, vòng kinh ngắn dần hoặc lượng kinh ngắn dần rồi ngừng hẳn. Đây được gọi là những vòng kinh không phóng noãn hay không rụng trứng.
- Hội chứng rối loạn vận mạch: Những cơn bốc hoả, nóng bừng ở phần trên cơ thể rồi lan lên cổ, lên mặt. Điều này làm người bệnh cảm giác nóng, giãn mạch nên mặt đỏ bừng. Lạnh đầu chi, đổ mồ hôi về ban đêm, mất ngủ trằn trọc, người lúc nóng, lúc lạnh. Rối loạn thăng bằng như chóng mặt, nhức đầu, nhiều lúc thấy đất trời ngả nghiêng, chao đảo.
- Rối loạn tâm thần: Thường xuyên lo lắng, hồi hộp, tim đập nhanh, suy giảm trí nhớ, không tập trung, xuất hiện các triệu chứng của bệnh Alzheimer, thay đổi tính tình, hay cáu gắt không rõ nguyên nhân, mất tự tin, buồn chán và dễ lâm vào tình trạng trầm cảm.
- Thay đổi về ngoại hình: Vì tổ chức mỡ dưới da bị mất đi, làm da mất chun giãn không còn trơn bóng, từ đó da trở nên nhăn nheo, ngực lép hoặc chảy xệ. Các tuyến mồ hôi, tuyến bã nhờn giảm hoạt động nên tóc, lông khô giòn, dễ gãy rụng và bạc màu.
- Bệnh về đường tiết niệu: Niệu đạo ngắn, trương lực cơ bàng quang kém, cơ thắt cổ bằng quang trở nên yếu đi nên dễ bị són tiểu, nước tiểu lắng đọng ở bàng quang và dễ viêm nhiễm đường tiết niệu.
- Thay đổi cơ quan sinh sản: Buồng trứng, cổ tử cung teo nhỏ, các tuyến giảm thiểu, tiết chế chất nhầy ít, dễ gây viêm nhiễm do tạp khuẩn. Từ đó, khi quan hệ tình dục người phụ nữ sẽ có cảm giác đau và dễ bị tổn thương, giảm ham muốn tình dục và không đạt khoái cảm khi quan hệ.
- Tác động đến khung xương: Khi thiếu hụt estrogen sẽ giảm lượng canxi hấp thụ vào xương dẫn đến loãng xương, mất xương, xương giòn, xốp, dễ gãy, lún, xẹp các đốt xuống, giảm chiều cao, dễ gãy đầu dưới xương quay, cổ xương đùi.
- Mắc các bệnh lý về tim mạch: Những người thiếu hụt estrogen rất dễ mắc các bệnh về tim mạch gấp 2 – 4 lần so với những người chưa mãn kinh. Dễ tăng huyết áp, tăng bệnh mạch vành và tăng nguy cơ huyết khối.
- Dễ mắc bệnh ung thư: Đặc biệt ung thư vú, ung thư cổ tử cung và ung thư niêm mạc tử cung.
☛ Tham khảo thêm: Tác hại của thiếu hụt estrogen đối với phụ nữ
Phương pháp y tế điều trị thiếu hụt estrogen
Nếu người bệnh có mức estrogen thấp hoặc có dấu hiệu nghi ngờ suy giảm nội tiết tố thì tốt nhất cần đến bác sĩ để chẩn đoán để có phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là 2 phương pháp y tế điều trị thiếu hụt estrogen được sử dụng phổ biến, bao gồm:
Phương pháp điều trị thay thế hormone (HRT)
HRT là phương pháp làm tăng mức độ hormone tự nhiên của cơ thể. Khi đến thời kỳ mãn kinh, nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể giảm đáng kể nên việc dùng liệu pháp điều trị thay thế hormone sẽ hỗ trợ cân bằng nội tiết tố trở lại mức bình thường. Liệu pháp HRT được điều chỉnh về liều lượng, thời gian và sự kết hợp của các hormone tùy vào tình trạng sức khoẻ của mỗi người. Dưới đây là hai loại HRT chính:
- HRT kết hợp: HRT kết hợp sử dụng cả estrogen và progesterone, giúp giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung, một rủi ro khi chỉ dùng estrogen. Estrogen giúp bổ sung hormone thiếu hụt, giảm các triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm và khô âm đạo. Trong khi progesterone bảo vệ niêm mạc tử cung khỏi sự phát triển quá mức.
- HRT chỉ chứa estrogen: thường được sử dụng cho phụ nữ đã cắt bỏ tử cung vì không cần progesterone để bảo vệ niêm mạc tử cung.
Các dạng HRT bao gồm viên uống, miếng dán, gel bôi và thuốc đặt âm đạo. Viên uống là phương pháp phổ biến nhất, dễ sử dụng và tiện lợi. Miếng dán và gel bôi được áp dụng trực tiếp lên da, cung cấp hormone thẩm thấu qua da vào máu, giúp duy trì một liều lượng ổn định. Thuốc đặt âm đạo cung cấp estrogen trực tiếp đến vùng cần điều trị, giảm triệu chứng khô âm đạo và cải thiện chức năng sinh dục.
HRT mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là giảm triệu chứng mãn kinh và cải thiện sức khỏe xương, ngăn ngừa loãng xương và giảm nguy cơ gãy xương. Tuy nhiên, HRT có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt khi sử dụng liều cao hoặc trong thời gian dài. Sử dụng HRT kết hợp cũng có thể tăng nguy cơ ung thư vú do hormone thúc đẩy sự phát triển của tế bào ung thư. Ngoài ra, HRT có thể gây ra các tác dụng phụ như đau đầu, buồn nôn, tăng cân và các vấn đề về tiêu hóa.
Chính vì vậy, chỉ nên sử dụng HRT trong khoảng thời gian ngắn, chị em cần phải tham khảo ý kiến và theo dõi chặt chẽ từ các bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn.
Phương pháp điều trị không dùng hormone
Phương pháp điều trị không dùng hormone là một lựa chọn cho phụ nữ thiếu hụt estrogen khi họ không thể hoặc không muốn sử dụng phương pháp điều trị thay thế hormone (HRT).
Một trong những phương pháp phổ biến là sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm như SSRI và SNRI, bao gồm fluoxetine, paroxetine và venlafaxine. Những loại thuốc này không chỉ giúp giảm các triệu chứng trầm cảm mà còn giảm các triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa và tâm trạng thay đổi.
Clonidine và gabapentin cũng được sử dụng để giảm cơn bốc hỏa và các triệu chứng khác liên quan đến mãn kinh.
- Clonidine thường được dùng để điều trị huyết áp cao, có tác dụng giảm các triệu chứng liên quan đến hệ thần kinh trung ương.
- Gabapentin là một loại thuốc chống co giật, cũng có hiệu quả trong việc giảm cơn bốc hỏa.
Ngoài ra, estrogen đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì mật độ xương. Khi thiếu hụt hormone này, phụ nữ có nguy cơ cao bị loãng xương và gãy xương. Việc bổ sung canxi và vitamin D giúp tăng cường sự chắc khỏe của xương và giảm nguy cơ loãng xương. Phương pháp điều trị không dùng hormone mang lại lựa chọn an toàn và hiệu quả cho phụ nữ mãn kinh, đặc biệt là những người có nguy cơ cao gặp phải tác dụng phụ của HRT.
Thế nhưng, việc điều trị cần được theo dõi và tư vấn bởi các chuyên gia y tế để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho chị em phụ nữ khi điều trị thiếu hụt estrogen.
Phương pháp tự nhiên điều trị thiếu hụt estrogen
Ngoài 2 phương pháp điều trị y khoa trên thì chị em có thể tăng cường estrogen cho cơ thể bằng chế độ ăn uống hợp lý và thay đổi lối sống phù hợp:
Chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống dinh dưỡng và khoa học là một cách hiệu quả để điều trị thiếu hụt estrogen. Chị em có thể bổ sung các thực phẩm giàu estrogen thông qua thực đơn ăn uống hàng ngày như:
- Uống đủ nước tùy vào nhu cầu của cơ thể.
- Bổ sung các thực phẩm giàu estrogen như: hạt vừng, hạt lanh, đậu nành, đậu đen, các loại quả mọng, rau họ cải,…
- Thay đổi thực đơn hàng ngày để bổ sung nhiều loại vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
- Hạn chế ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ, chiên xào, cay nóng, đồ ăn nhanh.
- Không sử dụng các đồ uống có chứa cồn, gas như rượu, bia, nước ngọt có gas, cà phê,…
Thay đổi lối sống
Bên cạnh chế độ ăn uống khoa học, hợp lý thì chị em nên kết hợp thói quen sống lành mạnh như:
- Làm việc, nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc.
- Kiểm soát căng thẳng.
- Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên như yoga, chạy bộ,… với mức độ vừa phải, cắt giảm khối lượng các bài tập thể dục quá nặng để gia tăng lượng estrogen trong cơ thể.
- Duy trì cân nặng hợp lý để kiểm soát nồng độ estrogen trong máu.
- Không hút thuốc lá.
☛ Tham khảo thêm: Phụ nữ thiếu hụt estorgen nên làm gì để bổ sung?
Lưu ý khi điều trị
Khi điều trị thiếu hụt estrogen bằng phương pháp y tế hay phương pháp tự nhiên, chị em cần lưu ý một số vấn đề sau để tránh gặp các phản ứng phụ không mong muốn:
- Bạn cần thường xuyên theo dõi cẩn thận, chặt chẽ và thăm khám định kỳ 6 tháng/lần.
- Thực hiện liệu trình điều trị thiếu hụt estrogen theo đúng phác đồ của bác sĩ.
- Tùy vào đối tượng sử dụng và tình trạng sức khỏe của mỗi người mà hiệu quả điều trị cũng khác nhau.
- Nếu bạn chỉ gặp các triệu chứng âm đạo liên quan đến thời kỳ mãn kinh thì estrogen trong kem bôi âm đạo (liều thấp), viên nén hoặc vòng sẽ là lựa chọn tốt hơn so với thuốc uống, miếng dán ngoài da.
- Thực hiện lối sống lành mạnh và ăn uống khoa học, duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế rượu bia, chất kích thích. Đồng thời, quản lý căng thẳng và kiểm soát các bệnh lý sức khỏe mãn tính như tăng huyết áp, cholesterol trong máu cao,…
Suy giảm nồng độ estrogen trong cơ thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ và tâm sinh lý của người phụ nữ. Vì vậy, chị em nên đi khám để có phương pháp điều trị thiếu hụt estrogen kịp thời và có hiệu quả tốt nhất. Ngoài ra, nếu có bất cứ thắc mắc gì cần được tư vấn, hãy gọi cho chúng tôi theo hotline 1800 1190 (miễn phí cước gọi) để được các chuyên gia giải đáp.