Theo thống kê, cứ 10 phụ nữ đang ở trong giai đoạn tiền mãn kinh thì có tới 8 người gặp phải chứng bốc hỏa. Cơn bốc hỏa làm bạn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu hay thậm chí là mất ngủ nếu cơn bốc hỏa về đêm. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn một cách đầy đủ nhất các biện pháp giảm thiểu triệu chứng bốc hỏa tiền mãn kinh ở phụ nữ.
Mục lục
- 1. Nguyên nhân gây bốc hỏa tiền mãn kinh
- 2. Triệu chứng bốc hỏa tiền mãn kinh
- 3. Các biện pháp làm giảm triệu chứng bốc hỏa tiền mãn kinh
- 3.1. Làm mát cơ thể
- 3.2. Chế độ ăn uống hợp lý
- 3.3. Duy trì cân nặng phù hợp
- 3.4. Luyện hít thở sâu, đều đặn
- 3.5. Không uống rượu bia, cà phê và hút thuốc lá
- 3.6. Tập thể dục thường xuyên
- 3.7. Thư giãn cơ thể
- 3.8. Bổ sung hormone thay thế
- 3.9. Thuốc kê đơn khác
- 3.10. Những điều cần lưu ý khi điều trị bốc hỏa tiền mãn kinh bằng thuốc
Nguyên nhân gây bốc hỏa tiền mãn kinh
Nguyên nhân chủ yếu gây bốc hỏa tiền mãn kinh
Các cơn bốc hỏa được gây ra bởi sự sụt giảm nội tiết tố nữ estrogen trong thời kỳ mãn kinh. Sự thiếu hụt estrogen tác động đến trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi. Khi bộ điều nhiệt cho rằng cơ thể bạn đang quá nóng, nó sẽ bắt đầu một cơn bốc hỏa nhằm hạ nhiệt cho bạn.
Các nguyên nhân hiếm gặp khác
Ngoài nguyên nhân chính đã được nêu ở trên còn có một số nguyên nhân hiếm gặp khác dẫn đến bốc hỏa sau đây:
☛ Ung thư: Cơn bốc hỏa đổ mồ hôi vào những buổi ban đêm thường gặp ở những bệnh nhân đang điều trị ung thư, hay gặp nhất ở bệnh nhân bị ung thư vú. Tuy nhiên, bên cạnh triệu chứng bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm thì bệnh nhân bị ung thư còn kèm theo các triệu chứng khác như mệt mỏi, gầy sút không rõ lý do…
☛ Thuốc: một số loại thuốc kê đơn khá phổ biến như thuốc giảm đau opioid, thuốc chống trầm cảm và thuốc trị loãng xương có tác dụng phụ tạo ra những cơn bốc hỏa ở phụ nữ.
☛ Bệnh lý tuyến giáp: ví dụ như cường giáp có thể khiến bạn phát sinh cảm giác nóng bừng. Tuy nhiên, bốc hỏa do cường giáp còn kèm theo các triệu chứng khác như: tim đập nhanh, hồi hộp, sút cân không rõ lý do, tiểu tiện liên tục.
☛ Rối loạn nội tiết: hội chứng carcinoid do một loại khối u nội tiết tiết ra một lượng lớn hormone serotonin có thể gây ra các cơn bốc hỏa.
Tham khảo bài viết: Bị bốc hỏa là dấu hiệu bệnh gì?
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bốc hỏa
Các cơn bốc hỏa cũng có thể được kích hoạt bởi các yếu tố sau đây, chị em nên cân nhắc để điều chỉnh cho hợp lý:
☛ Thức ăn cay nóng: những món ăn được chế biến với nhiều gia vị có tính cay, nóng như ớt, gừng, tiêu làm cho bạn bị nóng từ bên trong, tác động kích thích lên trung tâm điều nhiệt làm xuất hiện cơn bốc hỏa ở phụ nữ.
☛ Các chất kích thích: bao gồm rượu bia, caffeine, thuốc lá. Sử dụng các chất này không chỉ làm trầm trọng thêm các triệu chứng bốc hỏa mà còn gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bạn.
☛ Thừa cân: người thừa cân thì lượng mô mỡ nhiều hơn người bình thường, chính các mô mỡ này ngăn cản cơ thể thoát nhiệt lượng ra bên ngoài khiến chị em bị bốc hỏa thường xuyên hơn. Bên cạnh đó thừa cân cũng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như gây ra các bệnh về tim mạch, huyết áp…
☛ Yếu tố tâm lý: lo âu, căng thẳng, stress sẽ kích thích cơ thể tiết ra hormone epinephrine và norepinephrine làm tăng lưu lượng máu và gây nên cảm giác nóng bừng khắp người.
Triệu chứng bốc hỏa tiền mãn kinh
Cơn bốc hỏa thường bắt đầu bằng cảm giác nóng đột ngột ở phần trên cơ thể, thường dữ dội nhất ở phần mặt, cổ, ngực sau đó lan ra toàn bộ cơ thể. Bên cạnh cảm giác nóng bừng, các chị em còn gặp các biểu hiện khó chịu sau đây:
- Đổ mồ hôi, mà chủ yếu là ở phần trên cơ thể.
- Da đỏ bừng, có thể xuất hiện vài nốt đỏ lấm tấm trên da.
- Cảm giác ớn lạnh do cơ thể bị mất một lượng lớn nhiệt lượng.
- Tim đập nhanh, cảm giác hồi hộp và lo lắng.
Tần suất và cường độ của các cơn bốc hỏa ở các chị em là khác nhau. Tình trạng này có thể xuất hiện thoáng qua nhưng phần lớn là dữ dội, gây gián đoạn các hoạt động thường ngày. Bốc hỏa có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong ngày hoặc đêm. Cơn bốc hỏa về đêm (đổ mồ hôi ban đêm) có thể đánh thức bạn, gây khó ngủ lại hoặc thậm chí là mất ngủ.
Thông thường, các triệu chứng trên thường kéo dài khoảng 6-7 năm. Tuy nhiên, một số chị em chia sẻ họ gặp phải các triệu chứng này trên 10 năm. Vì vậy, để kiểm soát tình trạng này, chị em nên áp dụng một số biện pháp phù hợp với tình trạng sức khỏe và mức độ nghiêm trọng của cơn bốc hỏa.
Các biện pháp làm giảm triệu chứng bốc hỏa tiền mãn kinh
Bốc hỏa tiền mãn kinh không có cách chữa trị dứt điểm, tuy nhiên, để cải thiện chất lượng cuộc sống, xua tan đi những mệt mỏi, khó chịu khi bị bốc hỏa chị em có thể tham khảo một số biện pháp hữu ích sau đây:
Làm mát cơ thể
Dấu hiệu đặc trưng của bốc hỏa là cảm giác nóng một cách đột ngột ở phần trên cơ thể. Để nhanh chóng làm mát cơ thể bạn có thể thực hiện ngay những mẹo hữu ích sau:
- Uống ngay một cốc nước mát để hạ nhiệt.
- Mặc quần áo nhẹ và thoáng khí, cởi bỏ bớt một hoặc hai lớp quần áo khi cơn bốc hỏa ập đến.
- Để một chiếc quạt ngay cạnh giường hoặc chuẩn bị sẵn một túi chườm lạnh phòng khi cảm thấy nóng.
- Sử dụng ga giường bằng vải cotton để tạo cảm giác thoải mái và thấm hút mồ hôi.
- Điều chỉnh nhiệt độ phòng hợp lý hoặc mở hết các cửa để không khí được lưu thông.
Chế độ ăn uống hợp lý
Chế độ ăn uống hợp lý đóng vai trò quan trọng trong việc giảm triệu chứng bốc hỏa. Vậy ăn uống như thế nào là hợp lý?
Một bữa ăn hợp lý phải có đầy đủ các thực phẩm cung cấp chất béo, chất đạm, chất xơ và các loại muối khoáng với lượng vừa đủ. Bạn nên bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả, hạn chế ăn những thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, các loại thực phẩm đóng hộp, thức uống có gas…
Việc ăn uống hợp lý không chỉ giúp cải thiện triệu chứng bốc hỏa mà còn giúp bạn duy trì vóc dáng cũng như có một cơ thể khỏe mạnh, hạn chế nguy cơ mắc phải các bệnh về dạ dày, tim mạch, béo phì, gan nhiễm mỡ…
Duy trì cân nặng phù hợp
Những phụ nữ bị thừa cân có nguy cơ bị bốc hỏa cao hơn những phụ nữ có trọng lượng cơ thể bình thường. Không những thế, thừa cân còn là nguyên nhân dẫn tới các bệnh lý mạn tính nguy hiểm như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường. Để duy trì cân nặng phù hợp bạn có thể áp dụng các bài tập vừa sức kết hợp với điều chỉnh chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh.
Chị em hãy giảm cân một cách khoa học, giảm cân từ từ, không nên vì nhanh chóng giảm cân mà áp dụng các biện pháp cực đoan, nhịn ăn hoàn toàn, hay sử dụng các sản phẩm giảm cân không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường.
Luyện hít thở sâu, đều đặn
Kết quả nghiên cứu tại đại học Wayne State, Hoa Kỳ cho thấy việc hít thở sâu có thể giảm 50% số cơn bốc hỏa. Hít thở sâu, đều đặn giúp giảm căng thẳng, giải độc và hỗ trợ việc lưu thông máu trong cơ thể dễ dàng hơn.
Để hít thở sâu đúng cách, các bạn thực hiện như sau:
- Đặt một bàn tay lên ngực, bàn tay còn lại đặt lên bụng để có thể cảm nhận rõ ràng các thay đổi khi hít thở.
- Ngồi thẳng lưng, hít một hơi thật sâu bằng mũi đến khi bụng bạn căng lên, nín thở trong khoảng 6 giây.
- Sau đó thở ra từ từ bằng miệng, cơ thể bạn lúc này sẽ thư giãn hơn.
Lặp lại bài tập này vài phút mỗi ngày vào thời gian rảnh hoặc khi bắt đầu bốc hỏa.
Không uống rượu bia, cà phê và hút thuốc lá
Rượu bia, cà phê và thuốc lá là các yếu tố kích thích cơn bốc hỏa, làm tăng các triệu chứng nóng bừng. Tránh xa các yếu tố này không chỉ giúp giảm bốc hỏa ở phụ nữ mà còn giúp hạn chế nguy cơ mắc các bệnh như đột quỵ, suy tim, suy gan, ung thư…
Tập thể dục thường xuyên
Vận động cơ thể thường xuyên không chỉ giúp cải thiện tinh thần mà còn góp phần giảm các triệu chứng như nóng bừng, đổ mồ hôi, mất ngủ, … trong thời kỳ tiền mãn kinh. Chị em nên lựa chọn các bài tập vừa sức như đi bộ, bơi lội, đạp xe, yoga…
Bên cạnh đó, việc tập thể dục thường xuyên còn giúp nâng cao sức khỏe, tăng cường sự dẻo dai của cơ thể, hạn chế các bệnh về xương khớp như đau lưng, đau mỏi bàn tay, bàn chân…
Thư giãn cơ thể
Thư giãn cơ thể không trực tiếp làm giảm các triệu chứng bốc hỏa. Tuy nhiên, tâm trạng thoải mái giúp phụ nữ cảm thấy cơn bốc hỏa nhẹ nhàng hơn. Các chị em sẽ không còn cảm thấy quá bức bối hay khó chịu khi những cơn bốc hỏa tấn công.
Để giảm căng thẳng và thư giãn cơ thể bạn có thể áp dụng các cách sau: nói chuyện cùng bạn bè, nghe bản nhạc thư giãn, vận động nhẹ nhàng như đi bộ, làm những việc mình thích…
Bổ sung hormone thay thế
Để giúp bạn kiểm soát triệu chứng bốc hỏa, bác sĩ có thể đề nghị liệu pháp bổ sung hormone thay thế – một biện pháp có tác dụng nhanh, phù hợp với những chị em bị thiếu hụt nội tiết tố nặng. Phương pháp này rất hiệu quả trong việc làm giảm số lượng và mức độ trầm trọng của các cơn bốc hỏa. Ngoài ra, nó còn giúp cải thiện tình trạng khô âm đạo và loãng xương ở phụ nữ.
Estrogen là hormone chính được sử dụng để làm giảm các triệu chứng bốc hỏa.Với những phụ nữ vẫn còn tử cung thì nên dùng phối hợp progesterone với estrogen để bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ ung thư niêm mạc tử cung.
Tuy hiệu quả nhưng liệu pháp thay thế hormone lại gây ra các tác dụng phụ đối với cơ thể như: tăng nguy cơ đột quỵ, cục máu đông, suy tim và ung thư vú. Do đó, những chị em đã từng mắc hoặc có nguy cơ bị ung thư vú, bệnh tim, đột quỵ hoặc cục máu đông không nên sử dụng phương pháp này để tránh những rủi ro. (đọc thêm: thuốc bổ sung estrogen dùng sao cho đúng?)
Thuốc kê đơn khác
Trong những trường hợp bốc hỏa vừa hoặc nặng mà liệu pháp thay thế hormone không phải là lựa chọn tối ưu, một số thuốc kê đơn sau cũng có thể được chỉ định để giúp bạn kiểm soát tình trạng bốc hỏa tiền mãn kinh:
- Thuốc giảm đau hoặc chống co giật thần kinh gabapentin và pregabalin.
- Thuốc chống trầm cảm venlafaxine.
- Thuốc huyết áp clonidine.
Các thuốc này đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm triệu chứng bốc hỏa. Tuy nhiên, chúng có thể gây tác dụng phụ như khô miệng, tăng cân, mệt mỏi, rối loạn chức năng tình dục…
☛ Xem chi tiết: Thuốc chữa bốc hỏa tiền mãn kinh
Những điều cần lưu ý khi điều trị bốc hỏa tiền mãn kinh bằng thuốc
- Việc sử dụng thuốc cần có sự chỉ định và tư vấn từ bác sĩ chuyên môn. Bạn không nên tự ý dùng thuốc để tránh những sai sót, quá liều hay tác dụng phụ.
- Trong quá trình điều trị, nếu như nhận thấy cơ thể có biểu hiện khác lạ như mệt mỏi, khô miệng, chóng mặt, buồn nôn, tăng cân bất thường… thì bạn hãy liên hệ ngay với bác sĩ điều trị bởi đó có thể là tác dụng phụ của thuốc.
- Hãy tỉnh táo trước những lời quảng cáo trên mạng, những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, cũng như không có chứng thực về hiệu quả điều trị.
Tài liệu tham khảo
https://www.healthline.com/health/menopause/understanding-hot-flashes?
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hot-flashes/symptoms-causes/syc-20352790
https://suckhoedoisong.vn/boc-hoa-o-phu-nu-man-kinh-n124910.html