Có gần 80% phụ nữ gặp tình trạng bốc hỏa tiền mãn kinh , mãn kinh trong độ tuổi trung niên. Dù không quá nguy hiểm nhưng chứng bốc hỏa khiến chị em rất khó chịu và gây hạn chế các hoạt động hàng ngày. Dùng thuốc chữa trị bốc hỏa tiền mãn kinh là phương pháp nhiều chị lựa chọn. Nhưng bị bốc hỏa tiền mãn kinh nên uống thuốc gì để hiệu quả quả mà an toàn?
Mục lục
- 1. Tại sao phụ nữ tiền mãn kinh hay bị bốc hỏa?
- 2. Bốc hỏa tiền mãn kinh có nhất thiết phải điều trị bằng thuốc?
- 3. Thuốc chữa trị bốc hỏa tiền mãn kinh nào hiệu quả mà an toàn?
- 3.1. Thuốc chữa bốc hỏa Paroxetine (Paroxetine®, Paxil®, Brisdelle®)
- 3.2. Thuốc trị bốc hỏa mất ngủ Gabapentin (Neurontin®; Gralise®)
- 3.3. Thuốc chữa bốc hỏa Venlafaxine (Effexor®)
- 3.4. Thuốc chữa trị bốc hỏa Fluoxetine (Prozac®)
- 3.5. Thuốc trị bốc hỏa mất ngủ Escitalopram (Lexapro®)
- 3.6. Thuốc trị bốc hỏa Desvenlafaxine (Pristiq®)
- 3.7. Thuốc trị bốc hỏa Clonidine (Catapres® ; Kapvay)
- 3.8. Chữa trị bốc hỏa bằng liệu pháp thay thế hormone (HRT)
- 3.9. Thuốc không kê theo đơn
- 4. Bài thuốc chữa trị bốc hỏa cho phụ nữ từ Y học Cổ truyền
- 5. Chữa trị bốc hỏa tiền mãn kinh bằng thuốc cần lưu ý gì?
- 6. Biện pháp xoa dịu cơn bốc hỏa tiền mãn kinh mức độ nhẹ
Tại sao phụ nữ tiền mãn kinh hay bị bốc hỏa?
Rất nhiều chị em thắc mắc, liệu bốc hỏa tiền mãn kinh có phải là diễn biến sinh lý tự nhiên của cơ thể khi phụ nữ bước vào giai đoạn này? Điều đó cũng đúng một phần, bên cạnh nguyên nhân chính trên, còn một vài lý do khác mà có thể bạn chưa biết. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chứng bốc hỏa ở phụ nữ tiền mãn kinh.
Bốc hỏa do rối loạn nội tiết tố
Bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, cơ thể phụ nữ có những thay đổi đáng kể trong việc sản xuất các nội tiết tố nữ như estrogen, progesterone. Sự suy giảm các hormone này không chỉ gây ra chứng bốc hỏa, mà còn khiến chị em đối mặt với nhiều vấn đề khác như kinh nguyệt không đều, da khô nhăn, nám sạm, giảm ham muốn và khô hạn vùng kín.
Vậy rối loạn nội tiết tố gây ra bốc hỏa bằng cách nào? Tìm hiểu về cơ chế này vẫn là một thách thức đối với các nhà khoa học. Tuy nhiên, rất nhiều nghiên cứu tin cậy đã chỉ ra rằng có mối liên quan mật thiết giữa sự suy giảm estrogen với hoạt động của trung tâm điều nhiệt nằm tại vùng dưới đồi.
Thiếu hụt estrogen khiến cho trung tâm này trở nên nhạy cảm hơn, do đó, chỉ cần một thay đổi nhiệt độ nhỏ của cơ thể, trung tâm điều nhiệt sẽ phản ứng thái quá và kích hoạt một cơn bốc hỏa nhằm hạ nhiệt cho cơ thể.
Tham khảo: Cách bổ sung nội tiết tố estrogen tự nhiên không cần dùng thuốc
☛ Căng thẳng tâm lý
Căng thẳng, stress không chỉ gây bốc hỏa ở chị em tiền mãn kinh mà còn ở những phụ nữ trẻ tuổi. Khi bạn bị căng thẳng, tức giận, cơ thể sẽ tiết ra các hormone epinephrine và norepinephrine làm tăng lưu lượng máu dưới da. Kết quả là, bạn sẽ cảm thấy nóng khắp người và kèm theo da dẻ đỏ bừng, nhất là ở tai và mặt.
☛ Thuốc men
Bốc hỏa do đang điều trị bệnh lý khác bằng một số thuốc kê đơn là nguyên nhân rất hiếm gặp, tuy nhiên cũng không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ này. Một số thuốc như: Raloxifene – điều trị loãng xương, tamoxifen – điều trị ung thư vú, tramadol – thuốc giảm đau, … có thể gây tác dụng phụ là bốc hỏa ở một số ít phụ nữ.
Do đó, nếu cảm thấy tình trạng bốc hỏa bắt đầu sau khi bạn sử dụng một thuốc nào đó thì hãy thông báo cho bác sĩ để biết chắc liệu đó có phải là nguyên nhân gây ra hiện tượng này không và tìm giải pháp khắc phục kịp thời.
☛ Ung thư và điều trị ung thư
Theo một nghiên cứu tại Anh, bốc hỏa và đổ mồ hôi quá nhiều có thể là dấu hiệu ban đầu của một số bệnh ung thư như: khối u carcinoid, ung thư tuyến thượng thận. Ngoài ra, hóa trị và xạ trị trong điều trị các bệnh ung thư cũng có thể khiến chị em bị bốc hỏa trong hoặc một thời gian ngắn sau quá trình điều trị.
Các yếu tố rủi ro làm trầm trọng cơn bốc hỏa:
Nếu muốn kiểm soát tốt chứng bốc hỏa tiền mãn kinh, chị em cần lưu ý các yếu tố làm tăng mức độ và tần suất bốc hỏa sau đây để điều chỉnh cho phù hợp:
- Ăn nhiều thực phẩm ăn cay nóng.
- Hút thuốc lá.
- Thừa cân.
- Uống rượu bia, cà phê thường xuyên.
- Lười vận động thể chất.
Bốc hỏa tiền mãn kinh có nhất thiết phải điều trị bằng thuốc?
Mỗi phụ nữ lại có tần suất và cường độ của chứng bốc hỏa tiền mãn kinh, mãn kinh khác nhau. Nếu chị em có triệu chứng bốc hỏa tiền mãn kinh và bốc hỏa mãn kinh ở mức độ nhẹ, cơ thể có thể bắt quen tự vượt qua các cơn bốc hỏa thì có thể không cần điều trị bằng thuốc để tránh làm tổn hại dạ dày, hoặc gặp các vấn đề tác dụng phụ của thuốc.
Thay vào đó, chị em bị bốc hỏa nhẹ có thể lựa chọn các phương pháp giảm bốc hỏa tự nhiên; tham khảo các loại thực phẩm chức năng, viên uống có tác dụng cân bằng nội tiết tố nữ để làm dịu tình trạng bốc hỏa, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trường hợp phụ nữ bị bốc hỏa mức độ nhiều gây ảnh hưởng đến sinh hoạt chất lượng cuộc sống thì có thể tìm nói chuyện với bác sĩ về trình trạng hiện tại của bạn và xin lời khuyên về việc điều trị bốc hỏa bằng thuốc nhằm xoa dịu các cơn bốc hỏa nóng bừng đột ngột.
Thuốc chữa trị bốc hỏa tiền mãn kinh nào hiệu quả mà an toàn?
Nhiều phụ nữ gặp rắc rối trong sinh hoạt, công việc, cuộc sống do bốc hỏa tiền mãn kinh, mãn kinh gây ra nên đã tìm đến các loại thuốc điều trị bốc hỏa. Nhưng nên lựa chọn thuốc chữa trị bốc hỏa tiền mãn kinh nào cho phụ nữ để an toàn, hiệu quả?
Thuốc kê đơn chữa trị bốc hỏa tiền mãn kinh:
Thuốc kê đơn là những loại thuốc dược phẩm đòi hỏi phải có đơn thuốc Y tế do bác sĩ Y khoa cấp cho bệnh nhân để mua thuốc, và việc sử dụng cũng cần áp dụng đúng theo chỉ định, hướng dẫn từ bác sĩ. Một số loại thuốc kê đơn có tác dụng điều trị cơn bốc hỏa tiền mãn kinh như:
Thuốc chữa bốc hỏa Paroxetine (Paroxetine®, Paxil®, Brisdelle®)
Thuốc Paroxetine có tên biệt dược thường gặp: Paroxetine®, Paxil®, Brisdelle®
Hiệu quả: Đã được FDA chấp thuận để xử lý làm giảm các cơn bốc hỏa cho phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh. Có xu hướng hiệu quả hơn cho giấc ngủ ở những phụ nữ cũng bị chứng khó ngủ, ngủ không sâu giấc, mất ngủ.
Tác dụng phụ: Buồn nôn, thay đổi thói đi vệ sinh trong ngày, giảm ham muốn tình dục, khô miệng, tăng cân (không phổ biến). Nên tránh ở phụ nữ dùng tamoxifen.
Thuốc trị bốc hỏa mất ngủ Gabapentin (Neurontin®; Gralise®)
Thuốc Gabapentin có tên biệt dược thường gặp: Neurontin®; Gralise®
Hiệu quả: Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy rằng Gabapentin – một loại thuốc chống co giật – có thể làm giảm tần suất các cơn bốc hỏa ban đêm, giúp phụ nữ ngủ ngon giấc hơn, giảm tình trạng mồ hôi trộm ban đêm. Do đó, ở những phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh bị bốc hỏa hay mất ngủ về đêm, thì Gabapentin đôi khi có thể là lựa chọn ưu tiên hơn so với thuốc chống trầm cảm.
Một số tác dụng phụ có thể gặp: mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, hoặc tăng cân, khó xác định phương hướng…
Thuốc chữa bốc hỏa Venlafaxine (Effexor®)
Thuốc Venlafaxine có tên biệt dược thường gặp: Effexor®
Hiệu quả: Hiệu quả đã được chứng minh trong một số nghiên cứu. Nó được xem là một trong những loại thuốc an toàn hơn cho phụ nữ dùng tamoxifen (không tương tác thuốc).
Tác dụng phụ: Buồn nôn, thay đổi thói quen đi đại tiện, nhức đầu (tác dụng phụ tạm thời cho hầu hết); có thể làm tăng huyết áp ở liều cao.
Thuốc chữa trị bốc hỏa Fluoxetine (Prozac®)
Thuốc Fluoxetine có tên biệt dược thường gặp: Prozac®
Hiệu quả: Sự cải thiện các cơn bốc hỏa đã được thể hiện trong các nghiên cứu.
Tác dụng phụ: Buồn nôn, bị thay đổi thói quen đi đại tiện; làm suy giảm ham muốn tình dục, mất ngủ. Nên tránh ở phụ nữ dùng tamoxifen.
Thuốc trị bốc hỏa mất ngủ Escitalopram (Lexapro®)
Thuốc Escitalopram có tên biệt dược thường gặp: Lexapro®
Hiệu quả: Hỗ trợ làm giảm mức độ bốc hỏa và cải thiện cho giấc ngủ ở những phụ nữ cũng đang bị chứng mất ngủ.
Tác dụng phụ: Buồn nôn, giảm ham muốn tình dục, thói quen đại tiện thay đổi; EKG bất thường (không phổ biến).
Thuốc trị bốc hỏa Desvenlafaxine (Pristiq®)
Thuốc Desvenlafaxine có tên biệt dược thường gặp: Pristiq®
Hiệu quả: giúp cải thiện các cơn nóng bừng, khó chịu do bốc hỏa hiệu quả hơn khi so sánh với giả dược – những vật chất hoặc phương pháp trị liệu được áp dụng lên người khiến người bệnh nghĩ rằng họ đang được điều trị tích cực và sẽ có hiệu quả (tuy nhiên thực tế nó chỉ có yếu tố chấn an tâm lý).
Tác dụng phụ: Buồn nôn, thay đổi thói quen đi tiêu, nhức đầu (tác dụng phụ tạm thời cho hầu hết). Tăng huyết áp (ở liều cao)
Thuốc trị bốc hỏa Clonidine (Catapres® ; Kapvay)
Thuốc Clonidine có tên biệt dược thường gặp: Catapres®; Kapvay
Hiệu quả: Thuốc Clonidine là một loại thuốc điều trị huyết áp cao có thể giúp kiểm soát tình trạng bốc hỏa tiền mãn kinh. Thuốc Clonidine thường được chỉ định khi tất cả các lựa chọn thuốc khác đều không hiệu quả hoặc không được dung nạp do hiệu quả khiêm tốn.
Tác dụng phụ bao gồm: Khô miệng, buồn ngủ, mệt mỏi, táo bón, có thể khiến huyết áp tụt giảm.
☛ Xem thêm: Thuốc nội tiết cho phụ nữ tiền mãn kinh
Chữa trị bốc hỏa bằng liệu pháp thay thế hormone (HRT)
1. HRT là gì?
Liệu pháp thay thế hormone là phương pháp giúp cân bằng lại nội tiết tố nữ trong cơ thể phụ nữ tiền mãn kinh. Đây là thuốc hiệu quả nhất để kiểm soát chứng bốc hỏa từ trung bình đến nặng cho những phụ nữ không có chống chỉ định, tuy nhiên, song song với hiệu quả, phương pháp này cũng mang lại nhiều rủi ro.
Mặt khác, với việc giúp duy trì nồng độ các hormone nữ, HRT có thể giúp cải thiện các triệu chứng của tiền mãn kinh bao gồm khô âm đạo, loãng xương và rối loạn kinh nguyệt.
2. Những rủi ro liên quan đến HRT
Việc sử dụng liệu pháp hormone trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ về bệnh lý tim mạch và ung thư vú. Do đó, các bác sĩ thường đề nghị dùng estrogen với liều lượng thấp nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất cần thiết để giảm triệu chứng bốc hỏa cho bạn (thường là dưới 5 năm).
Bên cạnh đó, không có gì đảm bảo rằng liệu pháp HRT có thể giúp chị em phụ nữ chấm dứt hoàn toàn khỏi các cơn bốc hỏa vì khi bạn ngừng dùng HRT, tình trạng bốc hỏa cũng có thể quay trở lại.
3. Lưu ý khi cân nhắc điều trị bằng HRT
- Đối với phụ nữ đã cắt bỏ tử cung, khi điều trị bằng HRT, có thể dùng estrogen đơn thuần, nhưng với những người vẫn còn tử cung, nên dùng estrogen phối hợp với progesterone để bảo vệ tử cung khỏi nguy cơ ung thư nội mạc.
- Liệu pháp HRT thường chống chỉ định cho những bệnh nhân có tiền sử ung thư vú, bệnh tim mạch vành, hoặc ung thư nội mạc tử cung. Do đó, khi đi khám, chị em cần cung cấp đầy đủ cho bác sĩ những thông tin liên quan đến tiền sử bệnh lý của mình để lựa chọn được phương pháp điều trị cho an toàn, phù hợp.
☛ Đọc thêm: Thuốc bổ sung nội tiết tố estrogen – dùng sao cho đúng?
Thuốc không kê theo đơn
Một số bác sĩ khuyên dùng vitamin E liều thấp cho những phụ nữ bị bốc hỏa nhẹ. Trong một nghiên cứu so sánh tác dụng của vitamin E và giả dược đối với chứng bốc hỏa tiền mãn kinh, vitamin E có thể giúp giảm tần suất bốc hỏa 1 cơn/ngày so với giả dược.
Tuy nhiên cần lưu ý, không sử dụng vitamin E với liều cao hoặc trong một thời gian dài vì nó có thể làm tăng nguy cơ suy tim hoặc chảy máu. Chị em hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về liều dùng và tác dụng phụ trước khi sử dụng.
Bài thuốc chữa trị bốc hỏa cho phụ nữ từ Y học Cổ truyền
Bên cạnh các loại thuốc Tây y và phương pháp bổ sung nội tiết tố thì áp dụng các bài thuốc chữa trị bốc hỏa từ Y học Cổ truyền cũng là lựa chọn của nhiều chị em phụ nữ.
Bài thuốc chữa bốc hỏa Đơn chi tiêu dao tán gia giảm
Đây là bài thuốc chữa bốc hỏa do thể can hỏa, uất nhiệt gây ra.
Chủ trị: Người bị bốc hỏa lên đầu, hay đau đầu chóng mặt, da mặt đỏ, đổ mồ hôi, đánh trống ngực; tức ngực; khó ngủ, mất ngủ, kinh nguyệt không đều, miệng khô, đại tiện bón, mệt mỏi rã rời, nhiều khi bị nóng như sốt (nhưng không phải sốt).
Kiêng kỵ : Những người da xanh mét, tay chân lạnh, thận yếu hoặc hệ tiêu hóa yếu, hay tiêu chảy, bụng đầy khó tiêu, ho đàm nhiều. Với người tỳ thận hư hàn, chân lạnh, đi cầu lỏng, nếu dùng bỏ vị đơn bì, chi tử.
Các vị thuốc:
- Bạch thược; đương quy: mỗi vị 20g
- Sinh khương; bạch truật; ngưu tất: mỗi vị 12g
- Bạch linh; Sài hồ, đơn bì: mỗi vị 14g
- Chi tử, chích thảo: mỗi vị 10g
Cách sắc thuốc:
Cho tất cả vị thuốc vào ấm, đổ 750ml nước lọc rồi tiến hành sắc thuốc. Đun trên lửa to đến khi ấm thuốc sôi thì hạ nhỏ lửa và tiếp tục đun. Đến khi còn khoảng 300ml nước thuốc cô đặc thì tắt bếp.
Cách dùng thuốc: Chia 300ml thành 2 phần, nên dùng uống trước bữa ăn 15 – 20 phút, uống khi còn ấm.
Bài thuốc chữa bốc hỏa Tứ vật thang gia giảm
Đây là bài thuốc phù hợp cho phụ nữ mãn kinh hay mất ngủ bốc hỏa do Huyết hư hỏa vượng.
Chủ trị: người bị bốc hỏa kèm theo chóng mặt, ù tai, lúc bị đau đầu lúc không đau do Huyết hư hỏa vượng.
Kiêng kỵ : Không nên dùng với người hay bị đau đầu, nghẹt mũi xổ mũi do cảm lạnh.
Các vị thuốc:
- Cúc hoa, câu kỷ tử, ngũ vị tử, xuyên khung: mỗi vị 14g
- Thục địa: 30g
- Đại táo, sinh khương, mạch môn, ngưu tất: mỗi vị 12g
- Đương quy: 16g
- Bạch thược: 20g
- Cam thảo: 6g
Cách sắc thuốc và cách dùng: giống bài thuốc Đơn chi tiêu dao tán gia giảm
Bài thuốc trị bốc hỏa Lục vị hoàn gia giảm
Đây là bài thuốc phù hợp cho phụ nữ mãn kinh, tiền mãn kinh hay mất ngủ bốc hỏa do Âm hư hỏa vượng.
Chủ trị: Phụ nữ bị mất ngủ bốc hỏa, đau đầu chóng mặt, mắt hoa, tai ù, đổ mồ hôi về đêm, mờ mắt, mỏi mắt, khô mắt.
Kiêng kỵ : Những người thận yếu, hệ tiêu hóa yếu dễ bị tiêu chảy, bụng đầy, ho có đờm, người đang bị cảm.
Các vị thuốc:
- Ngưu tất; huyền sâm; cúc hoa: mỗi vị 12g
- Hoài sơn: 18g
- Thục địa: 30g
- Sơn thù; kỷ tử: mỗi vị 14g
- Phục linh: 10g
- Đơn bì: 16g
- Trạch tả: 8g
Cách sắc thuốc và cách dùng: giống bài thuốc Đơn chi tiêu dao tán gia giảm
➤ Xem thêm: Thuốc Đông y cho phụ nữ tiền mãn kinh
Chữa trị bốc hỏa tiền mãn kinh bằng thuốc cần lưu ý gì?
Các lưu ý khi điều trị bốc hỏa tiền mãn kinh bằng thuốc chị em cần biết:
Việc điều trị chứng bốc hỏa tiền mãn kinh bằng thuốc luôn tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Do đó, chị em hãy lưu ý kỹ những điều sau để hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe:
☛ Việc sử dụng bất kỳ thuốc kê đơn nào cũng cần chỉ định và tham vấn của bác sĩ chuyên khoa. Bạn không được tự ý dùng thuốc vì sai sót trong liều dùng, cách dùng hoặc không lường trước được tác dụng phụ có thể đe dọa đến tính mạng.
☛ Hãy tuân thủ phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra, không tự ý ngừng thuốc khi không có chỉ định, nhất là với liệu pháp thay thế hormone vì việc dừng thuốc đột ngột sẽ làm tăng nguy cơ các triệu chứng mãn kinh quay trở lại.
☛ Nếu trong quá trình sử dụng, bạn thấy cơ thể có biểu hiện khác lạ như chóng mặt, buồn nôn, tăng cân bất thường, … thì đừng ngần ngại thông báo cho bác sĩ. Đây rất có thể là các tác dụng phụ của thuốc. Bác sĩ sẽ giúp bạn tìm ra giải pháp để vừa đạt hiệu quả điều trị chứng bốc hỏa mà tránh được tối đa các tác dụng không mong muốn.
☛ Khi muốn thực hiện bất kỳ một phương pháp điều trị bổ trợ nào mà bác sĩ chưa từng đề xuất trước đó, bạn nên tham khảo ý kiến của họ để xem liệu pháp mới liệu có tương tác bất lợi với thuốc bạn đang sử dụng hay không.
☛ Hãy tỉnh táo trước những quảng cáo không có tính tin cậy trên mạng về các sản phẩm giúp điều trị bốc hỏa. Không có tính tin cậy nghĩa là những sản phẩm này không hề có bằng chứng nghiên cứu khoa học hay chứng minh tác dụng của chúng đối với chứng bốc hỏa. Mù quáng tin vào những quảng cáo này có thể khiến chị em “tiền mất, tật mang”.
Biện pháp xoa dịu cơn bốc hỏa tiền mãn kinh mức độ nhẹ
Dù chị em đang điều trị bốc hỏa bằng thuốc hay chưa thực hiện bất kỳ phương pháp điều trị nào thì những liệu pháp hành vi sau đây cũng được các bác sĩ đề xuất cho bạn để có thể kiểm soát tốt chứng bốc hỏa và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Xây dựng chế độ ăn lành mạnh: ăn nhiều rau xanh rất có lợi cho việc giảm nhẹ tần suất cũng như mức độ của các cơn bốc hỏa. Bên cạnh đó, chị em cần lưu ý tránh những thực phẩm cay nóng vì những đồ ăn này thường gây nóng trong và kích hoạt cơn bốc hỏa.
Bỏ thuốc lá: hút thuốc lá là một trong những yếu tố rủi ro làm trầm trọng hơn chứng bốc hỏa tiền mãn kinh. Do đó, hãy tránh xa thuốc lá nếu bạn không muốn bị tình trạng bốc hỏa hành hạ hàng ngày.
Hạn chế rượu bia, cà phê: hạn chế tiêu thụ rượu bia, cà phê không chỉ hỗ trợ kiểm soát chứng bốc hỏa mà còn giúp bạn tránh xa nhiều vấn đề sức khỏe khác như mất ngủ, xơ gan, …
Thiền: thiền là phương pháp để thư giãn tinh thần và tìm sự thanh thản trong tâm trí. Bằng cách tập thiền, chị em có thể hạn chế tối đa sự làm phiền của tình trạng bốc hỏa. Bên cạnh đó, bạn cũng dễ dàng có giấc ngủ sâu và ngon hơn.
Giữ không gian sống mát mẻ: hãy mở cửa sổ, sử dụng quạt hoặc máy điều hòa nhiệt độ để giữ không gian sống của bạn mát mẻ, nhất là phòng ngủ. Nếu cảm thấy một cơn bốc hỏa đang bùng phát, bạn có thể nhâm nhi một ly đồ uống lạnh để hạ hỏa cho cơ thể.