Suy giảm nội tiết tố estrogen là vấn đề mà phụ nữ sẽ gặp phải khi bước vào giai đoạn mãn kinh. Dưới đây là 29 dấu hiệu giúp bạn nhận ra được vấn đề này.
Mục lục
- 1. Thiếu hụt nội tiết tố là gì?
- 2. Dấu hiệu thiếu hụt nội tiết tố tuổi mãn kinh
- 2.1. Xuất hiện những cơn nóng bừng
- 2.2. Chu kì kinh bị rối loạn
- 2.3. Cảm thấy mệt mỏi
- 2.4. Suy giảm trí nhớ
- 2.5. Đổ mồ hôi đêm
- 2.6. Suy giảm ham muốn tình dục
- 2.7. Khô âm đạo
- 2.8. Tâm trạng thất thường
- 2.9. Rối loạn hoảng sợ
- 2.10. Nhiễm trùng đường tiết niệu
- 2.11. Bị đầy hơi
- 2.12. Rụng tóc
- 2.13. Rối loạn giấc ngủ
- 2.14. Chóng mặt
- 2.15. Tăng cân
- 2.16. Tiểu không tự chủ
- 2.17. Nhức đầu
- 2.18. Các cơn bỏng rát ở miệng
- 2.19. Xuất hiện các vấn đề tiêu hóa
- 2.20. Dị ứng
- 2.21. Móng giòn
- 2.22. Thay đổi làn da
- 2.23. Loãng xương
- 2.24. Khó tập trung
- 2.25. Nhịp tim không đều
- 2.26. Lo lắng
- 2.27. Trầm cảm
- 2.28. Đau vú
- 2.29. Đau khớp
- 3. Nên làm gì khi bị thiếu hụt nội tiết tố?
Thiếu hụt nội tiết tố là gì?
Thiếu hụt nội tiết tố cụ thể là thiếu hụt nội tiết tố nữ estrogen là khi nồng độ estrogen trong máu thấp hơn mức bình thường. Hai chỉ số estrone và estradiol thường để đánh giá mức độ thiếu hụt hay tăng cao khi xét nghiệm qua nồng độ máu.
Nồng độ bình thường của estrogen ở nữ giới được quy định khi hai chỉ số này như sau:
Độ tuổi | Estrone | Estradiol |
Bé gái tuổi dậy thì | 10-200 pg/mL | Không thể phát hiện được 350 pg/ml |
Phụ nữ tiền mãn kinh | 17-200 pg/mL | 15-350 pg/ml |
Phụ nữ sau mãn kinh | 7-40 pg/mL | <10 pg/ml |
Tình trạng nội tiết tố nữ estrogen xảy ra khi các chỉ số trên của bạn thấp hơn tương ứng với độ tuổi. Tình trạng này xảy ra sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sắc đẹp của phụ nữ.
Xem đầy đủ: Thiếu hụt nội tiết tố nữ estrogen
Dấu hiệu thiếu hụt nội tiết tố tuổi mãn kinh
Xuất hiện những cơn nóng bừng
Bốc hỏa, nóng bừng là dấu hiệu nổi tiếng nhất của thiếu hụt nội tiết thời kì mãn kinh. Nó ảnh hưởng tới 50% phụ nữ ở giai đoạn này.
Nóng bừng là cảm giác một cơn sốt nóng đột ngột lan khắp cơ thể, để lại một vệt đỏ trên người hoặc đỏ mặt. Sau đó cơn nóng biến mất, cơ thể đổ mồ hôi để hạ nhiệt.
Chu kì kinh bị rối loạn
Do sự thiếu hụt estrogen, chu kì kinh nguyệt trong giai đoạn này trở nên bất thường, khó đoán. Khi dài, khi ngắn, lúc ít, lúc nhiều. Sự rối loạn này sẽ kéo dài hết thời kì tiền mãn kinh, cho đến thời kì mãn kinh thực sự thì kinh nguyệt sẽ không còn xuất hiện nữa.
Cảm thấy mệt mỏi
Mệt mỏi do thiếu hụt nội tiết là cảm giác uể oải, dù ngủ một đêm ngon giấc, hôm sau vẫn cảm thấy rã rời, thèm ngủ.
Mệt mỏi mãn tính do thiếu estrogen trong thời kỳ mãn kinh sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến chất lượng cuộc sống, như: gây căng thẳng cho các mối quan hệ, làm giảm năng suất làm việc hay cản trở các hoạt động vào ban ngày, vv.
Suy giảm trí nhớ
Suy giảm trí nhớ hoặc mất trí nhớ cũng là một triệu chứng phổ biến của thiếu hụt nội tiết tố nữ trong thời kì mãn kinh.
Estrogen và progesterone đều có vai trò trong bộ nhớ của con người, vì thế việc chúng suy giảm đi sẽ góp phần làm trí nhớ bị ảnh hưởng.
Tình trạng này sẽ được cải thiện cải thiện đáng kể khi quá trình chuyển đổi qua mãn kinh (tiền mãn kinh) kết thúc.
Đổ mồ hôi đêm
Tình trạng bốc hỏa đổ mồ hôi và bốc hỏa về đêm là một trong những triệu chứng rất hay thường gặp đối với phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Những cơn bốc hỏa này thường xảy ra và qua đi trong khoảng thời gian rất nhanh từ 3 – 5 phút.
Mặc dù chúng không quá gây nguy hiểm nhưng làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ và thậm chí có thể gây căng thẳng hoặc lo lắng cho nhiều phụ nữ. Giống như bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm là kết quả của sự thiếu hụt nội tiết tố.
Suy giảm ham muốn tình dục
Suy giảm ham muốn tình dục cũng là việc thường xảy ra trong thời kì mãn kinh. Hiện tượng này xảy ra do 2 vấn đề chính:
- Nồng độ hormone dao động và suy giảm khiến ham muốn mất dần
- Do các triệu chứng khô âm đạo làm việc quan hệ vợ chồng trở nên đau đớn, dẫn tới phụ nữ sợ gần gũi chồng, dần dần suy giảm ham muốn.
Khô âm đạo
Khô âm đạo xảy ra do sự suy giảm nồng độ estrogen trước và trong thời kỳ mãn kinh làm cho độ ẩm tự nhiên của âm đạo giảm. Âm đạo không tiết hoặc tiết ít dịch khiến quá trình bôi trơn tự nhiên trở nên khó khăn, làm nhiều phụ nữ bị đau khi quan hệ tình dục.
Tâm trạng thất thường
Nồng độ hormone dao động trong thời kỳ mãn kinh có thể tác động đến các chất dẫn truyền thần kinh trong não. Trong đó một số chất dẫn truyền giúp điều chỉnh tâm trạng bình tĩnh như GABA và serotonin cũng bị ảnh hưởng, dẫn đến sự thay đổi tâm trạng thất thường ở phụ nữ thời kì mãn kinh, chẳng hạn như vui buồn thất thường, lúc hạnh phúc, khi lại tủi thân dễ khóc, vv.
Rối loạn hoảng sợ
Rối loạn hoảng sợ là một hội chứng đặc trưng bởi các cơn hoảng sợ xuất hiện đột ngột, không hề có dấu hiệu cảnh báo. Nó có thể xuất hiện bất kì lúc nào, chẳng hạn như: lúc đang lái xe, lúc ở trường, trong siêu thị, giữa cuộc họp, vv. Khi các cơn hoảng sợ tới, nó khiến bệnh nhân cảm thấy khó thở, ngột ngạt, đánh trống ngực, đổ mồ hôi, thở dốc, sợ hãi, vv.
Các cơn hoảng sợ này thường kéo dài 5-20 phút, cũng có thể kéo dài tới 1 giờ.
Sau cơn hoảng loạn, bạn thường cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức.
Cũng như các dấu hiệu khác, dấu hiệu này cũng xảy ra do sự suy giảm nồng độ estrogen. Serotonin và epinephrine là hai chất dẫn truyền thần kinh có liên quan đến rối loạn hoảng sợ. Ở tuổi mãn kinh, lượng serotoin giảm mạnh do sự suy giảm của hormone estrogen.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nồng độ estrogen thấp có thể làm ảnh hưởng tới hệ vi khuẩn ở âm đạo, dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu thường xuyên.
Bị đầy hơi
Đầy hơi được đặc trưng bởi cảm giác căng cứng, khó chịu ở bụng. Nguyên nhân của vấn đề này là do sự biến thiên của nồng độ estrogen, khiến cơ thể giữ nước.
Rụng tóc
Các nang tóc đòi hỏi estrogen để phát triển và khỏe mạnh. Vì thế, khi estrogen mất đi, tóc sẽ trở nên khô hơn và dễ gãy hơn.
Rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ là một loạt các vấn đề liên quan tới giấc ngủ, như: mất ngủ, khó ngủ, ngủ không ngon giấc, thức giấc giữa đêm, vv. Những vấn đề này có thể là do tác động trực tiếp của nồng độ estgrogen thấp hoặc là tác dụng kéo theo của những dấu hiệu khác, liên quan tới thể chất và cảm xúc.
Chóng mặt
Chóng mặt liên quan đến thiếu hụt nội tiết tuổi mãn kinh có thể chỉ kéo dài một vài phút. Nhưng nếu không điều trị, nó có thể diễn ra thường xuyên và kéo dài, gây nguy cơ ngã, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
Tăng cân
Tăng cân là triệu chứng phổ biến của thời kỳ mãn kinh và điều này gây ngạc nhiên cho nhiều phụ nữ. Tuy nhiên, vấn đề này lại hoàn toàn dễ hiểu.
Sự thay đổi nội tiết tố xảy ra trong thời kì mãn kinh không chỉ khiến tích mỡ tại vùng bụng, eo, đùi, dưới cánh tay mà còn làm việc giảm cân trở nên khó khăn hơn.
Tiểu không tự chủ
Suy giảm estrogen cũng làm mỏng thành niệu đạo, gây ra tình trạng tiểu không tự chủ.
Có 2 loại tiểu không tự chủ:
- Một loại xảy ra khi các cơ bên trong sàn chậu không hoạt động hiệu quả, gây rò rỉ nước tiểu khi cười, hắt hơi, ho hoặc tham gia vào các hoạt động.
- Một loại xảy ra do mất cảm giác ở bàng quang, não và cơ thể không nhận được các tín hiệu rằng bàng quang đã đầy.
Nhức đầu
Khi cơ thể bắt đầu sản xuất estrogen chậm, nhiều phụ nữ bị đau đầu nhiều hơn. Tình trạng này có thể trở nên dữ dội hơn khi nồng độ hormone tiếp tục giảm trong thời kỳ mãn kinh thực sự.
Các cơn bỏng rát ở miệng
Sự thay đổi nồng độ estrogen có thể gây ra vị kim loại trong miệng kèm theo là cảm giác đau hoặc nóng rát ở lưỡi, môi, nướu hoặc vị trí khác trong miệng.
Xuất hiện các vấn đề tiêu hóa
Estrogen giúp điều chỉnh hormone cortisol ở mức hợp lý. Khi nồng độ estrogen giảm, nồng độ cortisol tăng lên, làm chậm quá trình tiêu hóa. Điều này có thể khiến nhiều phụ nữ cảm thấy bị đầy hơi, táo bón hoặc một số vấn đề về tiêu hóa khác.
Dị ứng
Sự dao động nội tiết tố xảy ra khi mãn kinh có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể. Vì lý do này, nhiều phụ nữ sẽ tăng độ nhạy cảm với các chất gây dị ứng.
Một số phụ nữ chỉ gặp các triệu chứng nhẹ khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng, chẳng hạn như phát ban, ngứa mắt và hắt hơi. Tuy nhiên, cũng có trường hợp xảy ra phản ứng dị ứng cực đoan hơn như chóng mặt, chuột rút và sưng.
Móng giòn
Estrogen rất quan trọng để giữ cho móng dài và chắc khỏe. Nồng độ estrogen thấp trước và trong thời kỳ mãn kinh có thể khiến móng tay trở nên giòn, khô và dễ gãy.
Thay đổi làn da
Mất collagen thường được quan sát thấy trong giai đoạn đầu của thời kỳ mãn kinh. Khi nồng độ estrogen giảm, quá trình sản xuất collagen chậm lại. Collagen mang đến cho làn da vẻ trẻ trung. Sản xuất collagen thấp có thể làm da trở nên khô, chảy xệ, xuất hiện đồi mồi, nếp nhăn, và làm mất vẻ trẻ trung, căng tràn của làn da.
☛ Thông tin tham khảo: Suy giảm nội tiết là một trong những nguyên nhân gây lão hóa da
Loãng xương
Estrogen là hormone chủ chốt để duy trì mật độ xương. Trong suốt cuộc đời, estrogen ức chế sự tái hấp thu xương. Khi nồng độ estrogen giảm trong thời kỳ mãn kinh, tốc độ mất xương diễn ra nhanh chóng. Điều này khiến phụ nữ mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh loãng xương, chứng rối loạn thoái hóa xương.
Khó tập trung
Không thể tập trung hoặc khó tập trung là dấu hiệu đáng chú ý nhất trong giai đoạn đầu của sự suy giảm nội tiết tố thời kì mãn kinh. Nếu không chú ý, dấu hiệu có thể trở nên tồi tệ hơn và kèm theo nhiều triệu chứng khác, chẳng hạn như giấc ngủ kém hoặc thay đổi tâm trạng.
Nhịp tim không đều
Thiếu hụt estrogen có thể làm quá kích hệ thống thần kinh và tuần hoàn, gây ra nhịp tim không đều, đánh trống ngực và rối loạn nhịp tim. Nếu gặp triệu chứng này, bạn cần báo cáo cho chuyên gia y tế ngay lập tức.
Lo lắng
Sự sụt giảm estrogen xảy ra trong thời kỳ mãn kinh ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine và serotonin, là những chất có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh tâm trạng. Điều này dẫn tới tình trạng hay lo lắng, bồn chồn, khó thư giãn thoải mái.
Trầm cảm
Nồng độ progesterone và estrogen giảm trong giai đoạn mãn kinh gây ra vô số các triệu chứng làm thay đổi mạnh mẽ sức khỏe tinh thần của phụ nữ.
Progesterone và estrogen cũng ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh điều chỉnh tâm trạng. Khi mức độ của các hormone này giảm xuống, phụ nữ mãn kinh có nguy cơ cao đối mặt với việc khó lấy lại tâm trạng sau những buồn bã, những sự kiện không vui. Đây chính là những yếu tố góp phần gây ra bệnh trầm cảm.
Đau vú
Đau ở một hoặc cả hai vú là hiện tượng thường thấy khi estrogen suy giảm. Sau khi kì kinh nguyệt hoàn toàn chấm dứt, hiện tượng này có thể được cải thiện.
Đau khớp
Suy giảm estrogen có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng đau khớp tuổi mãn kinh. Bởi estrogen được cho là giúp kiểm soát mức độ viêm trên toàn cơ thể. Khi nồng độ hormone này giảm, tình trạng viêm đau có thể diễn ra thường xuyên hơn và nặng hơn.
Xem đầy đủ: 34 triệu chứng của tiền mãn kinh?
Nên làm gì khi bị thiếu hụt nội tiết tố?
Bước vào tuổi mãn kinh và nhận thấy mình có các dấu hiệu suy giảm nội tiết tố, chị em nên chủ động tìm cách khắc phục và phòng tránh. Để làm được điều này, cần:
- Có một lối sống lành mạnh, tham khảo các bài tập yoga tốt cho nội tiết tố nữ
- Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh, các loại trái cây tươi; hạn chế đồ nhiều dầu mỡ, nhiều muối, đường, vv.
- Ăn nhiều loại thực phẩm giàu estrogen.
- Sử dụng thêm TPCN bổ sung nội tiết tố nữ, tuy nhiên cần tìm hiểu thật kỹ nguồn gốc của sản phẩm trước khi sử dụng.
Nếu các dấu hiệu trên ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, bạn nên đi khám để nhận được sự tư vấn của bác sĩ và phác đồ điều trị hợp lý.